Báo Hong Kong: Việt Nam có đối tác mới trong cuộc đua cũ với TQ

Khi Đặng Đức Toại hoàn thành Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) tại căn cứ không quân Columbus bang Mississippi tháng trước, anh ta trở thành người tiên phong trong các phi công ở quê hương Việt Nam. 


Đặng là một thượng úy trong Không quân Nhân dân Việt Nam, đã trở thành phi công đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp chương trình ALP - trong đó Mỹ cung cấp một khóa huấn luyện bay 52 tuần cho các đối tác Mỹ và các nước đang phát triển. 



Trung tướng Steve Kwast - Tư lệnh Bộ Tư lệnh huấn luyện và đào tạo bay ở Columbus đã chúc mừng sự tốt nghiệp của Đặng hôm 31/5 như thành quả của quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam mà mối quan hệ này “giúp bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới”. 

Cột mốc này là ví dụ mới nhất về hợp tác quốc phòng đang trở nên sâu sắc giữa Washington và Hà Nội - những người từng là kẻ thù nhưng đang tăng cường thống nhất trong mối nghi ngờ chung về mục tiêu trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông. 

Nguyen Viet Phuong - thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học và Các vấn đề Quốc tế Belfer ở Massachusetts nói: “Quan hệ tốt hơn với Mỹ trong các khía cạnh an ninh và quân sự là cần thiết cho Việt Nam để ngăn chặn bất kỳ nguy cơ xâm lược nào từ Trung Quốc”. 

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nổi lên như một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất với yêu sách của Bắc Kinh đòi hầu hết Biển Đông - nơi mà Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei cũng có yêu sách cạnh tranh. Việt Nam đã thường xuyên phản đối các động thái của Trung Quốc ở xung quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 


Hồi tháng 3, Hà Nội đã phản đối Bắc Kinh sau khi một tàu đánh cá Việt Nam bị đâm và bị chìm sau khi nó bị tàu hải giám Trung Quốc xua đuổi trong vùng biển tranh chấp. Mấy tháng trước đó, Hà Nội đã phản đối Bắc Kinh về việc thiết lập các trạm khí tượng và hạ cánh máy bay quân sự lên quần đảo Trường Sa. 

Năm 2014, việc công ty nhà nước Trung Quốc triển khai một dàn khoan dầu khí vào vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền đã gây ra những cuộc bạo động nhiều tuần trên khắp Việt Nam. 

Những ký ức về lịch sử bị cai trị và chiến tranh với Trung Quốc vẫn còn nguyên ở Việt Nam. Trong cuộc khảo sát năm 2017 của hãng Pew, chỉ 10% người Việt Nam nói họ có cách nhìn thiện chí về Trung Quốc. 

Sự gia tăng lo câu của Hà Nội về ảnh hưởng của Trung Quốc trong các sân sau của họ đã đưa họ đến điểm chung với các chương trình nghị sự nhằm bảo đảm cho Biển Đông là vùng biển mở và tự do của Washington. 

Một quan chức trong Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Hà Nội xem hợp tác với Mỹ là cần thiết trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng trưởng sức mạnh quân sự. 

Cảnh sát Việt Nam bảo vệ cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim hồi tháng 2/2019.



Quan chức này nói với điều kiện giấu tên rằng: “Hợp tác với Mỹ giống như một cân bằng giúp Việt Nam có lựa chọn khác để bảo vệ quyền và chủ quyền, cũng như vị trí chính trị trong các diễn đàn quốc tế, đặc biệt trong vấn đề xung đột Biển Đông”. 

Tuy nhiên Việt Nam vẫn phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất chiếm tới 1/5 giá trị thương mại của Việt Nam. 

Trung Quốc cũng là nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 vào Việt Nam trong năm 2018 với tổng số vốn đăng ký 2,4 tỷ USD so với con số 700 triệu USD năm 2011. 

Zhang Baohui - một giáo sư khoa học chính trị ở Đại học Lĩnh Nam tại Hong Kong nói rằng Việt Nam không chắc sẽ gia nhập đội ngũ các đối tác gần gũi nhất của Washington ở châu Á vì quan hệ với người láng giềng khổng lồ. 

Zhang nói “lý do là mặc dù Việt Nam lo ngại về Trung Quốc, họ cũng muốn duy trì quan hệ tử tế với Bắc Kinh. Sau tất cả, Trung Quốc là một siêu cường đang nổi lên và có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam, cả về kinh tế và an ninh một cách sâu sắc. Vì thế Việt Nam sẽ cư xử cẩn thận trong quan hệ với cả Bắc Kinh và Washington”. 

Quan hệ kinh tế này không có vẻ gì là ngăn cản chính quyền Trump trong việc công bố bán cho Việt Nam một số UAV trinh sát chỉ vài tuần sau khi đồng ý bán 6 tàu tuần tra cho cảnh sát biển Việt Nam. Những động thái này được nhiều người xem là nhằm kiểm tra ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông. 


Năm 2017, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã thăm cảng Đà Nẵng lần đầu tiên kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Hồi tháng 4, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói Washington hy vọng sắp xếp một chuyến thăm khác của tàu sân bay trong năm nay và làm cho các chuyến viếng thăm như vậy trở thành hoạt động thường xuyên trong tương lai. 

Không lâu trước khi Donald Trump được bầu làm Tổng thống, cựu Tổng thống Obama đã công bố chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí kéo dài mấy thập kỷ đối với Việt Nam. 

Derek Grossman - nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại RAND Corpotation nói: “Trump đã dứt khoát... ưu tiên Việt Nam như một quốc gia sẽ giúp cho chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, giữ cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở như lời họ nói, bởi vì Việt Nam có tranh chấp quyết liệt nhất với Trung Quốc ở Biển Đông. Có một yếu tố rất mạnh trong đó, dù cho người ta có nói gì”. 

Tuy vậy, chính sách đối ngoại không đứng về phe nào của Việt Nam đặt ra những ràng buộc mạnh mẽ đối với quan hệ quốc phòng sâu sắc hơn. Nó loại bỏ một quan hệ đồng minh chính thức như kiểu mà Mỹ duy trì với Philippines hay Hàn Quốc, Nhật Bản. Chính sách quốc phòng “3 không” của Việt Nam không cho phép tham gia liên minh quân sự, đi với nước này để chống nước kia hay cho phép nước ngoài đóng căn cứ quân sự trên đất Việt Nam. 

Zhang Baohui nói: “Trung Quốc vì thế không cảm thấy quá lo ngại về sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ. Họ hiểu rằng có một giới hạn trong quan hệ đó”. 

Còn Nguyen Viet Phuong ở Trung tâm Belfer thì nói lựa chọn tự nhiên của Hà Nội là cân bằng quan hệ với các nước lớn. “Việt Nam không nên bằng lòng với quan hệ hợp tác quân sự tốt hơn với Mỹ, họ nên phấn đấu cho một chiến lược ngăn chặn thật sự và cân bằng quan hệ với các nước lớn trong khu vực”. 

Nguồn: https://www.scmp.com/week-asia/geopolitics/article/3015078/vietnam-has-new-partner-its-old-rivalry-china-us

Post a Comment

Tin liên quan

    -->