Cựu Đại sứ Thái Lan: Có một mối lo ở Bangkok về sự phát triển của VN

Bài viết dưới đây là của ông Komgrit Varakamin - Cựu Đại sứ Thái Lan ở Việt Nam và hiện tại đang là cố vấn cho Hội Doanh nghiệp Việt - Thái tại Bangkok. 

“Mọi người luôn hỏi tôi rằng liệu Việt Nam có phải một người cạnh tranh với Thái Lan hay liệu họ có vượt qua Thái Lan. Đó là vì có một mối lo ở Bangkok về một bước nhảy vọt trong tăng trưởng kinh tế và doanh nghiệp ở nước láng giềng Việt Nam. 

Thành phố Hà Nội đã thay đổi rất nhiều so với những gì vị cựu Đại sứ Thái Lan từng biết.

Về cơ bản, tăng trưởng GDP Việt Nam đã đạt mức 7,1% năm ngoái, vượt qua mức dự báo 6,7% và là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong 11 năm, năm nay dự kiến ở mức 6,9%. Trong khi đó, Thái Lan năm ngoái chỉ tăng 4,1% và dự kiến 4% năm nay. 

Một điều rất rõ là các chỉ số nêu trên khá ấn tượng. Thành tựu như vậy đã thúc đẩy một câu hỏi. Do vậy tôi đã trở lại thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây để xem xét sự thay đổi và trao đổi với những người bạn cả cũ và mới nhằm tìm hiểu câu chuyện thành công này. 




Từ ban công của khách sạn Bông Sen, tôi có thể nhìn ra đường Đồng Khởi, con đường thời Chiến tranh Việt Nam mang tên đường Tự Do. Nó vẫn là một con đường không ngủ đêm. tôi nhớ rất rõ con đường này bởi vì tôi đã bị một chiếc xe đạp tông vào hồi năm 1986 tại đây. Tuy nhiên Giờ đây tôi phải chú ý nhiều hơn tới xe máy khi băng qua đường. 

Trong 95 triệu người Việt Nam, có 13 triệu người ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi vận tải công cộng chưa phát triển, có đến 7,6 triệu xe máy và 700.000 ô tô trong thành phố này. Quy tắc giao thông và an toàn giao thông không được chú trọng lắm ở Việt Nam - nơi mà hàng giờ đều có người bị tử vong vì tai nạn giao thông (thường là một người đi xe máy). Vì thế các công ty nước ngoài luôn nghĩ đến việc tặng mũ bảo hiểm xe máy khi được hỏi đã đóng góp gì trong các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. 

Một nguồn tin ngoại giao tiết lộ với tôi rằng công ty Honda - đơn vị chiếm 90% thị phần thị trường Việt Nam đã có kế hoạch phân phát mũ bảo hiểm cho một lượng lớn học sinh phổ thông trên cả nước. 

TP Hồ Chí Minh với nhiều công trình hiện đại làm thay đổi diện mạo. 

Khi ở thành phố HCM, tôi đã bị choáng ngợp không chỉ vì nhiều tòa nhà cao tầng mà còn vì quy mô khổng lồ của tuyến metro số 1 với chiều dài 20 km từ Bến Thành qua Suối Tiên đến Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai ở đông bắc thành phố HCM. Nó đã được xây dựng từ 2012 nguồn vốn ODA từ chính phủ Nhật. Tuy nhiên với tiến độ mới đạt 60%, hệ thống đường sắt này rất khó có thể hoàn thành trong năm sau như kế hoạch. Thiếu vốn và việc phải trả nợ cũ sẽ tiếp tục trì hoãn công trình xây dựng này. 




Tuyến metro số 2 cũng dài 20 km nối Bến Thành với Tham Lương ở phía nam thành phố, đã bị gác lại vì thiếu vốn dẫn đến ảnh hưởng quá trình giải phóng mặt bằng. Công trình này đã không khởi công năm 2014 như kế hoạch. Gần đây, chi phí hai dự án này đã đội lên gần gấp đôi so với ước tính ban đầu. Nếu không có hỗ trợ ngân sách từ chính phủ trung ương hoặc từ thành phố, công trình này sẽ khó thực hiện. 

Khi ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã gặp ông Võ Tấn Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Tổng Giám đốc VCCI - HCMC. Ông nói Việt Nam hoan nghênh đầu tư của Thái Lan trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, đầu tư của Thái Lan được khuyến khích trong công nghiệp hỗ trợ - ngành sản xuất các nguyên liệu thô cho các ngành sản xuất sau đó. Ví dụ phụ tùng cho ô tô, linh kiện điện tử, nguyên liệu cho may mặc. Hiện tại, những nguyên liệu thô đó được nhập từ Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. 

Thứ hai, Thái Lan được chào đón đầu tư vào công nghiệp sản xuất với giá trị công nghệ cao để giúp Việt Nam sản xuất nhiều hàng hóa xuất khẩu hơn. Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế nếu sử dụng nguyên liệu thô từ nội địa cho sản phẩm xuất khẩu. Hơn nữa Việt Nam mong muốn sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao. Thêm vào đó, các nhà đầu tư Thái Lan được hoan nghênh phát triển cơ sở hạ tầng hoặc các cơ sở tương ứng cho ngành du lịch và vận hành hoạt động nó chứ không chỉ đơn thuần là quản lý phần dịch vụ du lịch. 

Chuyến đi làm quen đã sáng tỏ nhiều điều khi tôi gặp Nguyen Thi Mai Trinh và Truong Vo Manh Khoa - những người thuộc cơ quan kế hoạch và chính sách của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Theo họ, thành phố ưu tiên 4 ngành công nghiệp sau: 1) máy móc; 2) điện tử, công nghệ thông tin, dược phẩm; 3) cao su và chất dẻo; 4) chế biến thực phẩm. Hai quan chức thành phố này cũng đề cập các điểm mạnh của Thái lan và năng lực trong các ngành sản xuất liên quan đến cao su, ô tô, chất dẻo, xe máy, phụ tùng cũng như công nghiệp hỗ trợ. 

Nói tóm lại, thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ chứ không đơn thuần là sản xuất theo kiểu cũ. Hơn nữa, điều này nằm trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư của Thủ tướng đối với một vùng hoặc một tỉnh của Việt Nam. Mai Trinh cho biết đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam từ 1988 đến nay khoảng 360 triệu USD với 195 dự án và đứng thứ 12 trong các nước đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi đồng ý rằng Thái Lan có nhiều tiềm năng để đầu tư hơn nữa. 


Vấn đề Việt Nam chú trọng vào sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, hóa chất, công nghiệp hỗ trợ, nghiên cứu và phát triển sáng tạo có giá trị thực tế chứ không chỉ đơn thuần là nghiên cứu suông, cũng đã được nêu ra trong cuộc nói chuyện với ông Le Truong Duy - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại thuộc Sở Ngoại vụ TP HCM. Nhà ngoại giao trẻ Việt Nam xác nhận rằng một số nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào thương mại chứ không đầu tư vào sản xuất ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo công nghệ cao. Ông Duy nói Trung tâm Dịch vụ của ông phụ trách về các trao đổi quốc tế và hội chợ thương mại với các doanh nghiệp. Ông hoan nghênh sự tham gia của Thái Lan. 

Vậy thì đâu là điểm mạnh của Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài? Có khá nhiều điều để nói. 

Trước hết Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như dầu khí, than, bauxite, kim loại, thủy hải sản, lâm sản và hai đồng bằng màu mỡ ở phía Bắc và phía Nam. 




Thứ hai, Việt Nam có nguồn lao động giá rẻ dồi dào cho hoạt động sản xuất và đầu tư nước ngoài. Trong 95 triệu dân ngày nay, hơn một nửa ở trong độ tuổi lao động. Công nhân Việt Nam có tiếng về đặc tính kỷ luật và chăm chỉ. Khi Việt Nam hướng tới công nghiệp hóa, lực lượng lao động rất cần cù này sẽ trở thành người được hưởng lợi từ kinh tế thị trường phồn thịnh. 

Thứ ba, Việt Nam ổn định chính trị dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản. Việt Nam khác với các nền kinh tế láng giềng khi họ không bị các vấn đề mất trật tự công cộng, bất ổn chính trị, chủ nghĩa khủng bố và bất ổn quân sự đe dọa. 

Thứ tư, Việt Nam đã và đang được nhận ra về khả năng và kinh nghiệm trong tổ chức các hội nghị quốc tế như thượng đỉnh APEC hay được chọn làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều gần đây. Danh tiếng của Việt Nam trong việc sắp xếp khoa học, trật tự giao thông và kiểm soát đám đông là những điều đáng kể. 

Việt Nam đi tìm bản thân mình


Việt Nam đã kỷ niệm lần thứ 44 ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975. Nếu so với một người sinh sau chiến tranh thì đã ở tuổi 44, ở giữa một đời người. Một thế hệ khác biệt đã được trông thấy. Thật vậy, hơn nửa dân số Việt Nam ngày nay sinh ra sau chiến tranh. Họ không có trải nghiệm nào về cuộc chiến mà chỉ sống qua sự sụp đổ và trỗi dậy trở lại của chủ nghĩa tư bản. 




Ngày nay, Việt Nam đã nhận ra rằng họ không thể kháng cự những thay đổi của thời đại và áp lực từ chủ nghĩa tư bản thế giới. Trong chuyến thăm gần đây nhất của tôi, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã khác rất nhiều so với những gì tôi thấy năm 1985. Về phần mình, thành phố Hồ Chí Minh chưa bao giờ bỏ cuộc, đang tái khẳng định sức mạnh của nó trong viễn cảnh kinh tế thị trường. Trong khi Hà Nội đang cố gắng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thành phố Hồ Chí Minh đã trỗi dậy và tạo khác biệt như một trung tâm thịnh vượng của cả nước. 

Nhiều người dân Việt Nam nói thẳng thắn rằng Việt Nam xem Thái Lan là một mô hình tốt. Tuy nhiên trong khi ở sau Thái Lan trong quá trình hiện đại hóa, Việt Nam chưa bao giờ ngừng nỗ lực và khao khát để ngang hàng với Thái Lan. Gần đây, Việt Nam đã đạt được một số ưu thế nhờ một loạt thỏa thuận tự do thương mại đã được ký - cái gần nhất là ký với liên minh châu Âu mà sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Thái Lan không có các thỏa thuận tương tự như vậy, cho nên sẽ có thể mất thị trường. 

Về phần mình, Thái Lan không nên chủ quan với ý nghĩ rằng mình luôn tiến bộ hơn. Thái Lan nên nhận thức về ổn định và chín chắn chính trị của mình. Không thể cho phép sự trở lại của mất trật tự công cộng, biểu tình vũ trang, bạo lực chính trị, lộn xộn vô pháp, bế tắc và tham nhũng chính trị như những năm trước khi diễn ra cuộc đảo chính 22/5/2014. Nếu mớ hỗ độn chính trị này trở lại và làm tê liệt hệ thống, Thái lan sẽ mất ưu thế và sẽ bị vượt qua dễ dàng. Chúng ta không thể đổ lỗi cho bất kỳ nước nào khác ngoài việc tự trách mình”. 

Nguồn: https://www.nationmultimedia.com/detail/opinion/30370886

Post a Comment

Tin liên quan

    -->