Nhà phân tích: Venezuela sẽ là một Việt Nam thời đại này

Ngày 30/4/1975, Mỹ đã học được một bài học quan trọng. Việc Quân đội Nhân dân Việt Nam giành được Sài Gòn đã đánh dấu cho việc một quân đội hùng mạnh nhất thế giới bị đánh bại bởi một đội quân du kích. Không có vấn đề gì về quy mô quân đội hay sức nặng của những nắm đấm thép mà Mỹ đã sử dụng để duy trì quyền lực nhưng vũ lực hung bạo không phải luôn là đủ để giành chiến thắng chiến tranh. Những người du kích có một vũ khí quan trọng mà Mỹ không có: đó là sự ủng hộ của nhân dân. 


Thất bại của Mỹ ở Việt Nam gây ra một sự thay đổi chấn động trong chiến lược tác chiến của Mỹ mà ngày hôm nay đã biến đổi thành tác chiến lai. Để tránh một thất bại nhục nhã khác, Mỹ sẽ cần chiến thắng trong lòng người. Vũ lực là không đủ để chiến thắng. Chiến lược này kết hợp tác chiến thông thường của lực lượng quân sự với tác chiến đặc biệt - chẳng hạn các chiến dịch bí mật để làm bất ổn kinh tế của quốc gia bị nhắm mục tiêu, các chiến dịch truyền thông với tin tức giả lan truyền và dọn đường cho sự can thiệp, những cuộc tấn công bạo lực dưới hình thức ám sát có chủ đích, phong tỏa đường sá và kích động bạo lực. 



Kết quả của phương thức chiến tranh đặc biệt này ngày nay đã thấy rất rõ khi một loạt chính phủ cánh hữu càn quét khắp châu Mỹ Latin. Tuy nhiên Venezuela, dù có biên giới với Jair Bolsonaro của Brazil và Iván Duque của Colombia, vẫn là cái gai trong mắt chủ nghĩa đế quốc Mỹ và do vậy nằm ở trung tâm của chiến tranh đặc biệt do Mỹ dẫn đầu. Đó là quân bài domino sẽ không đổ. 

Cuộc chiến tranh đặc biệt chống lại Venezuela và các láng giềng là một cuộc chiến nhằm giành trái tim và tâm trí nhân dân, thuyết phục họ tình nguyện (mà thường là hăng hái) chịu trả mọi giá để đứng về lợi ích của tư bản toàn cầu. 

Những đau khổ cho con người đã được tạo ra để dọn đường cho sự can thiệp của Mỹ. Mặc dù lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến 40.000 người chết chỉ trong 1 năm (từ 2017 đến 2018) nhưng Mỹ và các cơ quan truyền thông lại đổ lỗi lên chính phủ Venezuela. Trong ý nghĩa này, các phương pháp của chiến tranh đặc biệt chống lại Venezuela sẽ xuất hiện sau một thời kỳ lịch sử lâu dài mà trong đó lực lượng đế quốc “bóp nghẹt về kinh tế đối với nhân dân các nước không đứng về phía nó. Sau khi làm cho họ bị nghẹt thở, đế quốc sẽ đổ lỗi cho chính phủ các nước đó rằng đã làm nhân dân nghẹt thở”. 

Trong hồ sơ mới nhất của mình, Viện Nghiên cứu Xã hội đã nêu chi tiết hình thức chiến tranh đặc biệt được thực hiện ở Venezuela. Sử dụng khái niệm trau chuốt của nhà phân tích chính trị Andrew Korybko, hồ sơ cho rằng mục tiêu của cuộc chiến đặc biệt này là nhằm đạt đến “sự thống trị toàn phổ”, thống trị mọi khía cạnh của xã hội, không chỉ “khuôn khổ tư tưởng mà còn mọi phạm vi cảm xúc con người - làm sao để hiểu dục vọng và cái đẹp, giá trị và mỹ học - cũng như các khía cạnh của tổ chức sinh tồn nhân loại trong thị trường và sản xuất”. 


Đó là cuộc chiến mà sau đó thống trị toàn bộ nhận thức thực tế. Đó là cuộc chiến nhằm ép buộc triệt để người dân Venezuela đến nỗi họ bị buộc phải áp dụng các giải pháp cho chủ nghĩa đế quốc đưa ra. Hoa Kỳ hứa hẹn sự kìm kẹp sẽ được nới lỏng miễn là người ta sẵn sàng hy sinh chủ quyền và quy phục lợi ích cùng sự chỉ đạo của Mỹ. 

Mỹ nhận thức sắc sảo về di sản của chủ nghĩa thực dân, một di sản mà họ đang tiếp tục khai thác. Áp lực với các nước đã phát triển nền kinh tế của mình quanh việc xuất khẩu một mặt hàng chính duy nhất, trong trường hợp Venezuela, là sự phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu hàng tiêu dùng như lương thực và thuốc men. Chiến lược khai thác điểm yếu và hạn chế của các chính phủ bị nhắm mục tiêu này là trung tâm của chiến lược chiến tranh lai ghép. 

Dầu mỏ là hàng xuất khẩu chính quan trọng nhất của nền kinh tế Venezuela. 

Mặc dù chính phủ Bolivarian (một cách gọi khác của chính phủ Venezuela) đã thực hiện các biện pháp để tăng sản xuất lương thực quốc gia, họ vẫn thiếu lương thực. Điều đó cung cấp cho Mỹ một điểm yếu để khai thác trong kế hoạch “làm cho tình hình nguy kịch hơn” như lời của cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam nước Mỹ Kurt Tidd nói. 



Trong “Kế hoạch lật đổ độc tài Venezuela: Kỳ công” của ông ta, Tidd trình bày chi tiết một số chiến lược để cuối cùng dẫn đến lạm phát, nhập khẩu bế tắc, không khuyến khích đầu tư và tạo ra bất ổn nói chung. Quyết định của Mỹ nhằm sát muối vào vết thương của chủ nghĩa thực dân cũ - nếu không bị cản trở - sẽ tiếp tục làm nhiều người chết hơn. 

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách: “nhập khẩu thực phẩm đã giảm mạnh cùng với tổng nhập khẩu; năm 2018 ước tính nhập khẩu chỉ 2,46 tỷ USD so với 11,2 tỷ USD năm 2013. Nhập khẩu dự kiến có thể tụt dốc hơn nữa trong năm 2019, góp phần vào tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em”. 

Điểm yếu này cũng khiến đất nước đặc biệt dễ tổn thương trước các phong tỏa kinh tế và trừng phạt do Mỹ đặt ra. Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây ra bốc hơi vốn, lạm phát và ngăn chặn tiếp cận tín dụng và ngăn chặn những người mua dầu của Venezuela. Nói cách khác, Mỹ “đã rút đi các lựa chọn cơ bản mà chính phủ có thể dùng để giải quyết khủng hoảng và làm trầm trọng thêm đau khổ của người dân Venezuela”. Sự tàn phá của đòn tấn công này cung cấp cơ hội hoàn hảo cho Mỹ thực hiện chiến thuật “con ngựa thành Trojan” bằng viện trợ nhân đạo - điều họ đã thành công ở Haiti - và dọn đường cho một sự thay đổi chế độ bằng mọi giá. 

Những điều đang đe dọa ở Venezuela ngày nay mở rộng ra ngoài biên giới nước này. Venezuela đang nằm ở trung tâm của cuộc chiến tranh địa chính trị do tư bản toàn cầu tiến hành với Mỹ dẫn đầu, để tiêu diệt mối đe dọa của các chế độ lấy người dân làm trung tâm một lần và mãi mãi. 


Mỹ đã không làm được điều này ở Việt Nam. Họ cũng không làm được điều này ở Cuba. Và đến nay họ cũng chưa làm được ở Venezuela mặc dù họ chưa từng ngừng cố gắng. Venezuela không chỉ giảm đói nghèo và bất bình đẳng cùng với cải thiện cuộc sống rất nhiều kể từ cuộc bầu cử Chávez mà còn có thể cung cấp hỗ trợ quan trọng cho các nước khác đang chịu áp lực nặng nề từ những nắm đấm thép của đế quốc Mỹ như Cuba, Haiti. Nếu Mỹ thành công trong việc tiêu diệt chính phủ Bolivarian, nó sẽ là một đòn đánh mạnh vào người dân toàn thế giới. 

Với Mỹ, cuộc Cách mạng Bolivarian của Venezuela phải bị tiêu diệt. Maduro phải bị lật đổ. Nhân dân Venezuela phải bị làm cho đau khổ. Nhưng đối với phần lớn nhân dân thế giới, chúng ta sẽ nhớ rất rõ lời của Che Guevara phản ánh về Việt Nam: “Thế giới sẽ gần gũi và tương sáng thế nào nếu tương lai xuất hiện 2, 3 hay nhiều Việt Nam nở hoa trên bề mặt địa cầu... với những đòn đánh liên tục vào chủ nghĩa đế quốc, buộc chúng phải phân tán lực lượng dưới sự thù hận ngày càng tăng của các dân tộc trên thế giới”. Venezuela là Việt Nam ngày nay. 

Bài viết của tác giả Celina della Croce. Ông là một nhà tổ chức, hoạt động và bênh vực cho công bằng xã hội. 

Nguồn: https://venezuelanalysis.com/analysis/14540

Post a Comment

Tin liên quan

    -->