Ứng dụng liên lạc của người biểu tình Hong Kong bị tấn công mạng từ TQ

Một ứng dụng tin nhắn mã hóa được những người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong sử dụng đã trở thành đối tượng của một vụ tấn công mạng quy mô lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc vào ngày 12/6 khi người biểu tình tụ tập bên ngoài trụ sở chính quyền Hong Kong. 


Pavel Durov - người sáng lập Telegram nói trong một bài đăng trên Twitter sáng 13/6 rằng một cuộc tấn công quy mô theo kiểu từ chối dịch vụ (DDoS) nhằm vào công ty này hôm 12/6 chủ yếu được thực hiện bởi những địa chỉ IP ở Trung Quốc. Tấn công DDoS khiến dịch vụ bị quá tải và làm cho liên lạc bị gián đoạn với những người dùng nhất định. 



Durov viết: “Địa chỉ IP của cuộc tấn công chủ yếu đến từ Trung Quốc. Trong lịch sử, mọi cuộc tấn công DDoS với quy mô cấp nhà nước mà chúng tôi trải qua thường trùng hợp với thời gian biểu tình ở Hong Kong. Lần này cũng không phải ngoại lệ”. 

Theo hãng phân tích dữ liệu ứng dụng App Annie thì Telegram đã trở thành một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất tuần này, trùng hợp với cuộc biểu tình quy mô lớn của hàng trăm ngàn người phản đối dự thảo luật dẫn độ. 

Mặc dù cuộc biểu tình hôm 12/6 không có bất kỳ người lãnh đạo nào xuất hiện nhưng Telegram đã được người biểu tình dùng để phối hợp hành động, trao đổi các yêu cầu trong các nhóm trên nền tảng ứng dụng này để cung cấp đồ bảo hộ và các bộ sơ cứu. Một số nhóm trong số này có hàng chục ngàn thành viên. 

Chuyên gia an ninh thông tin Young Wo-sang tin rằng thời điểm diễn ra vụ tấn công cho thấy nó có thể nhắm vào việc phá vỡ liên lạc giữa những người biểu tình. Ông nói: “Tôi gợi ý người dùng nên có một số tùy chọn sao lưu để liên lạc”. 

Pavel Durov - người sáng lập Telegram. 

Nghị sỹ trong lĩnh vực công nghệ thông tin Charles Mok nói tuyên bố của Durov có vẻ đáng tin cậy nhưng ông chưa thể xác minh. “Trong cuộc biểu tình, tôi không cảm thấy Telegram bị chậm” - Mok nói và cho biết thêm liên lạc internet di động ở đây thường chậm vì có quá nhiều người dùng tập trung với nhau một chỗ. 


Vào chiều 12/6, tài khoản Twitter chính thức của Telegram nói rằng họ đã phải chịu một cuộc tấn công mạng rất mạnh làm ảnh hưởng đến người dùng ở Mỹ và những người dùng ở một số nước khác có thể cũng gặp vấn đề về liên lạc. 

Charles Mok nói “Có thể vụ tấn công không chỉ nhắm riêng vào Hong Kong mà còn bao phủ nhiều khu vực khác”. 

Mặc dù có sự nhận thức chung rằng Telegram là một ứng dụng nhắn tin an toàn, nhưng chỉ có các tin nhắn bí mật là được mã hóa còn các cuộc trò chuyện nhóm thì không. Như vậy có nghĩa là liên lạc có thể dễ dàng bị hacker chặn. 

Vào tối 11/6, Ivan Ip, người quản lý một nhóm Telegram gồm từ 10.000 đến 30.000 thành viên, đã bị bắt vì âm mưu gây phiền toái cho công cộng sau khi cảnh sát khám xét nhà anh ta. Cơ sở của cáo buộc chống lại Ip - người đang trong độ tuổi 20, là anh ta đã lập mưu với những người khác để tấn công tòa nhà Hội đồng Lập pháp và chặn các con đường xung quanh. 

Mok nói người dùng mạng xã hội có thể bảo vệ tài khoản của họ tốt hơn bằng cách dùng xác minh hai lớp. 

Hội viên của Hiệp hội Công nghệ Thông tin Hong Kong Eric Fan Kin-man đã cảnh báo người dùng phải thận trọng với Telegram khi ứng dụng này phô bày số điện thoại của họ cho thành viên khác trong nhóm thấy. Ông nói: “Tôi không nghĩ đây là một lựa chọn tốt cho những người dùng các nhóm này cho phong trào xã hội”. 

https://www.scmp.com/news/hong-kong/society/article/3014424/cyberattack-china-hit-messaging-app-used-hong-kong

Post a Comment

Tin liên quan

    -->