Vì sao Trung Quốc triển khai máy bay J-10 đến Hoàng Sa lúc này?

Một bức ảnh vệ tinh mà tờ CNN có được cho thấy Trung Quốc đã triển khai ít nhất 4 chiếc máy bay chiến đấu J-10 đến đảo Phú Lâm ( thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) ở Biển Đông. Trước đây, vào năm 2017 Trung Quốc đã từng triển khai các máy bay đến đây. 


Bức ảnh được chụp vào thứ Tư ( 19/6) và nó là lần đầu tiên những chiếc J-10 được trông thấy ở đảo Phú Lâm hay bất kỳ hòn đảo nào Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông - theo ImageSat International - đơn vị cung cấp ảnh vệ tinh cho CNN. 

Việc triển khai máy bay này diễn ra khi căng thẳng ở Biển Đông vẫn ở mức cao và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản vào tuần sau. 



Những chuyên gia đã nhìn vào ảnh vệ tinh của CNN nói rằng việc triển khai loại máy bay này ra đó và những trang thiết bị đi cùng với nó chỉ ra rằng những máy bay này đã ở trên hòn đảo này cả chục ngày. 

Peter Layton - cựu sĩ quan Không quân Hoàng gia Australia và là thành viên tại Viện châu Á Griffith nói: “Họ muốn bạn chú ý đến chúng. Nếu không vậy thì các máy bay đã được đặt trong nhà chứa máy bay. Liệu thông điệp mà họ muốn gửi từ việc đó là gì?”. 


Carl Schuster - cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo hỗn hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ nói việc triển khai này được thiết kế để “chứng tỏ đây là lãnh thổ của họ và họ có thể đưa máy bay quân sự đến đây bất cứ khi nào họ muốn”. Schuster cũng nói thêm là “nó cũng là một tuyên bố rằng học có thể vươn lực lượng trên không đến Biển Đông khi có yêu cầu hoặc đòi hỏi”. 

Máy bay J-10 có phạm vi hoạt động khoảng 500 dặm (740 km) cho nên nó có thể đặt phần lớn Biển Đông và các tuyến đường biển quan trọng vào trong tầm hoạt động. 

Các chuyên gia nói 4 chiếc máy bay này không mang thùng dầu phụ. Điều đó gợi ý rằng chúng đã được tiếp dầu trên hòn đảo, vì thế kế hoạch có thể là phải giữ chúng trên đảo một khoảng thời gian. 


Peter Layton nói “đó có thể là một hoạt động triển khai huấn luyện sớm để phi đội J-10 có khả năng sẵn sàng hoạt động phục vụ tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Hành động này có thể là một sự bình thường mới”. 

Năm 2016 Trung Quốc nói họ bảo lưu quyền áp đặt một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông - nghĩa là các chuyến bay trên vùng biển này sẽ phải khai báo với Bắc Kinh. Trung Quốc trước đó đã lập một vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông năm 2013 khiến Nhật Bản và Mỹ phản đối nhưng sau đó vùng nhận dạng này đã không được thực thi đầy đủ. 

Đảo Phú Lâm (tiếng Anh là Woody, tiếng Trung Quốc là Vĩnh Hưng) là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng sa. 

Quần đảo Hoàng sa nằm ở giữa khu vực phía Bắc của Biển Đông. Quần đảo này bị Trung Quốc chiếm đóng từ 1974 nhưng Việt Nam và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền. 


Nhiều năm qua Trung Quốc đã nâng cấp vững chắc các cơ sở trên quần đảo này với việc triển khai tên lửa phòng không, xây dựng 20 nhà chứa máy bay và đường băng, nâng cấp 2 cảng và đang thực hiện bồi lấp đất quy mô lớn. 


Năm 2017, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á báo cáo rằng đảo Phú Lâm được coi như một thiết kế mẫu cho những nỗ lực xây dựng đảo lớn hơn của Bắc Kinh ở quần đảo Trường Sa. 

Sự xuất hiện của J-10 trên đảo Phú Lâm diễn ra chỉ 1 năm sau khi Trung Quốc cử máy bay ném bom tầm xa H-6K đến đảo này. Quân đội Trung Quốc tuyên bố rằng phi vụ đó là một phần trong mục tiêu nhằm vươn tới khu vực rộng lớn hơn, huy động nhanh hơn và năng lực không kích lớn hơn của quân đội Trung Quốc. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu sau việc triển khai H-6K rằng: “Những hòn đảo ở Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc. Các hành động quân sự này là huấn luyện thông thường và các bên khác không nên suy diễn thái quá về nó’. 

Chuyên gia quân sự Wang Mingliang được trích dẫn trong trên truyền thông Trung Quốc rằng hoạt động huấn luyện này sẽ mài luyện các kỹ năng chuẩn bị chiến đấu của Không quân Trung Quốc và nó giúp đối phó với nhiều mối đe dọa an ninh trong khu vực. 



Bình luận: Việc Trung Quốc triển khai máy bay J-10 ra đảo Phú Lâm có thể là việc làm mà Trung Quốc cố ý muốn cho truyền thông phương Tây thấy. Cũng đồng thời với sự việc này, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đã được loan báo là vượt qua eo biển Miyako vào Tây Thái Bình Dương để thực hiện chuyến tuần tra viễn dương đầu tiên ngày 11/6. Các hoạt động này có thể là để gây thanh thế cho Trung Quốc trước cuộc gặp của ông Tập với ông Trump ở thượng đỉnh G-20. Trung Quốc muốn phát đi thông điệp rằng họ vẫn đang ổn và cuộc chiến thương mại mà Mỹ nhắm vào họ chưa thể khiến họ nao núng. 

Về việc chuyên gia Peter Layton phỏng đoán rằng phi đội J-10 triển khai tại Phú Lâm có thể để phục vụ cho việc lập vùng nhận dạng phòng không trong tương lai, hôm qua tờ Thời báo Hoàn Cầu có câu trả lời rằng: “Thời báo Hoàn Cầu biết rằng Trung Quốc chưa bao giờ xác nhận có thể thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, và hiện cũng chưa có dấu hiệu nào về việc đó”. 

Mõ Quốc Tế cũng cho rằng trong thời điểm hiện nay, Trung Quốc đang cần hòa hoãn với các nước xung quanh để tập trung đối phó với Mỹ cho nên dù có muốn lập vùng nhận dạng phòng không, họ cũng sẽ không tuyên bố vào lúc này. Hoạt động triển khai J-10 ra Hoàng Sa, có lẽ chỉ là một động thái nhằm gửi thông điệp cho Mỹ là chính.

Các nguồn tham khảo: 

https://edition.cnn.com/2019/06/20/asia/china-fighters-satellite-image-woody-island-intl-hnk/index.html
http://www.globaltimes.cn/content/1155224.shtml

Post a Comment

Tin liên quan

    -->