Philippines rước cường đạo vào nhà chia của mà vẫn bao biện

Báo chí Philippines hôm nay đưa tin cho biết Phủ Tổng thống Philippines hôm qua đã có phát biểu về Biển Đông, trong đó họ nói rằng tỉ lệ ăn chia 60/40 với Trung Quốc là có lợi.

Tờ ABS-CBN News tối qua cho biết: Điện Malacanang nói rằng đề xuất chia sẻ lợi nhuận nguồn dầu khí tiềm năng ở biển Tây Philippines (tức Biển Đông) giữa Philippines và Trung Quốc theo tỉ lệ ăn chia 60/40 là tốt cho nước này. 


Người Phát ngôn Tổng thống Salvador Panelo nói rằng khi cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền với khu vực này, sẽ là tốt hơn khi hai nước chia sẻ nguồn tài nguyên ở đó. Ông Panelo nói: “Cơ bản là cả hai nước sẽ không thay đổi lập trường của mình cho nên điều tốt nhất tiếp theo là đồng ý sử dụng những của cải đó làm lợi ích cho cả hai”. 



Panelo nói rằng lời đề xuất tỉ lệ 60/40 trong đó Philippines hưởng 60% đã được Trung Quốc đưa ra. “Và đó là điều tốt cho chúng ta” – Panelo nói. 

Tổng thống Rodrigo Duterte trước đó đã nói rằng ông đã đồng ý với tỉ lệ ăn chia 60-40 trong đề xuất khai thác dầu khí chung với Trung Quốc. 

Panelo nói thêm rằng sẽ là tốt hơn nếu đàm phán với Trung Quốc. “Cái gì mà chúng ta không thể có được từ phán quyết của tòa trọng tài, chúng ta có thể đạt được bằng cách đàm phán với Trung Quốc đặc biệt vì chúng ta được xem là những người bạn. Nếu anh là một người bạn, bạn bè luôn luôn cho và nhận lẫn nhau” – Panelo nói. 

Panelo cũng nói rằng Philippines có thể tin vào sự hữu nghị của Trung Quốc bởi vì Trung Quốc đã giúp nước này trong cuộc vây hãm Marawi khi Mỹ từ chối cung cấp vũ khí cho Philippines. 

Duterte đã lên kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào những ngày tới trong tháng này và ông ta đã hứa hẹn sẽ nêu chiến thắng của Philippines trong phiên tòa trọng tài năm 2016 chống lại yêu sách quá đáng của Bắc Kinh ở Biển Đông. 



Manuel Pangilinan – Chủ tịch công ty niêm yết PXP Energy nói rằng ông đang hy vọng “một vài tiến trình” có thể được thực hiện để hướng tới khả năng khai thác chung ở Biển Đông khi Duterte gặp Tập Cận Bình. 


Trong khi đó, tờ Inquirer hôm nay đưa tin cho biết rằng người phát ngôn Salvador Panelo hôm qua đã nói với tờ báo này rằng việc Philippines “cho phép” Trung Quốc hiện diện ở biển Tây Philippines cho thấy Philippines là “người sở hữu” khu vực này. Panelo nói: “Hành động rất riêng đó cho thấy bạn là người sở hữu khi bạn đang cấp phép. Nếu bạn không phải người sở hữu thì làm sao bạn có thể cấp phép?”. 

Nói về đề xuất của Trung Quốc về việc khai thác chung với tỉ lệ ăn chia 60/40, Panelo nói: “Bạn có thể nói nó là của chúng ta nhưng người ta cũng đang tuyên bố điều đó. Vậy thì tại sao chúng ta không thảo luận khai thác chung để cả hai bên sẽ cùng hưởng lợi từ đó?”. 



Về tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc Zhao Jianhua tái xác nhận sự cự tuyệt của Trung Quốc đối với việc tòa trọng tài quốc tế năm 2016 phán quyết Philippines thắng kiện, Panelo nói: “Trung Quốc có lập trường và có quyền không thay đổi lập trường của họ, tương tự như thế chúng ta cũng có quyền không thay đổi lập trường của mình. Nhưng điều đó sẽ không ngăn cản Tổng thống nêu vấn đề về phán quyết của tòa trọng tài”. 

Các nguồn tham khảo:
https://news.abs-cbn.com/business/08/11/19/60-40-resource-sharing-between-ph-and-china-is-good-for-us-says-panelo

https://globalnation.inquirer.net/178860/palace-permission-to-china-means-we-own-west-ph-sea

Bình luận: Biến vùng không có tranh chấp trở thành vùng tranh chấp. Sau đó lại đề xuất gác tranh chấp để khai thác chung. Đây là chiến lược rất hiểm độc của Trung Quốc. Nếu chiếu theo công ước LHQ về Luật Biển 1982 thì Trung Quốc chỉ có vùng đặc quyền 200 hải lý tính từ đường cơ sở của họ, họ chẳng có cớ gì để vươn tới những vùng giàu tiềm năng dầu khí ở rất xa về phía Nam của Biển Đông. Do vậy họ đã tự vẽ ra cái đường 9 đoạn mà dân Việt Nam thường gọi mỉa mai là “đường lưỡi bò” để “liếm” thật sâu xuống phía Nam Biển Đông và bao phủ hết những nơi mà họ biết hoặc tin là giàu tài nguyên. 

Đưa đường lưỡi bò mơ hồ và đơn phương lên là bước đầu tiên để tạo cớ biến vùng không có tranh chấp thành vùng tranh chấp. Sau khi đã thành công trong bước đó thì sẽ dùng các thủ đoạn cưỡng ép, hăm dọa, bắt nạt để buộc các nước nhỏ hơn phải hoảng sợ. Khi các nước nhỏ đã hoảng sợ thì chìa củ cà rốt là “gác tranh chấp, cùng khai thác” ra để gạ gẫm. 



Ngày nay Philippines chấp nhận đề xuất khai thác chung trong vùng rõ ràng là đặc quyền kinh tế của mình, lại còn nói 60/40 là tỉ lệ có lợi hoặc bao biện nói rằng “cho phép TQ hiện diện tức là thể hiện quyền sở hữu của mình” thì chẳng khác gì bỗng dưng rước cường đạo vào nhà rồi thương lượng chia tài sản cho cường đạo mà vẫn nghĩ mình có lợi.

Post a Comment

Tin liên quan

    -->