Việt Nam mong đợi gì ở chuyến thăm của Thủ tướng Australia?

Tháng 3 năm ngoái, Australia và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của một khu vực “được định hình bởi quy tắc và tiêu chuẩn” và các cuộc gặp hàng năm giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước.

Cảnh sát biển VN đứng trước một tàu hải cảnh Trung Quốc đang tiếp cận. 

Thỏa thuận này là một tầm nhìn chung về viễn cảnh an ninh khu vực đã vượt qua những khác biệt về hệ thống chính trị. Là một trong những chuyến công du chính thức đầu tiên sau khi tái cử chức Thủ tướng Australia, Scott Morrison sẽ đến Hà Nội vào ngày mai giữa bối cảnh căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông. 




Đã có nhiều điểm nổi bật trong mối quan hệ này. Australia đã là một đối tác đáng tin cậy trong việc cung cấp hỗ trợ cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam và họ đã hỗ trợ cơ sở hạ tầng trong khu vực Mekong dễ bị tổn thương, bao gồm việc hoàn thành cầu Cao Lãnh năm ngoái - dự án lớn nhất mà Australia hỗ trợ vào khu vực Đông Nam Á. 

Quan hệ thương mại và kinh tế là những lĩnh vực chính của lợi ích song phương. Việt Nam là đối tác thương mại có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai của Australia và quy mô thương mại song phương đã tăng trưởng vững chắc ở mức 12% trong 5 năm qua. Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc mà các doanh nghiệp Australia có thể làm. 

Việt Nam là một thị trường hấp dẫn. Theo Standard Chartered Bank, Việt Nam là một trong 7 nền kinh tế mà tăng trưởng GDP sẽ duy trì khoảng 7% trong những năm 2020 với điều kiện không có cú sốc nào lớn từ cuộc chiến thuế quan. 

Một dân số trẻ sẽ cung cấp động lực đáng kể cho tăng trưởng tiêu dùng khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên gấp 4 lần vào năm 2030. Thương hiệu Australia là một trong những thương hiệu được tin cậy nhất trong nông nghiệp, y học và giáo dục cho 33 triệu dân trung lưu Việt Nam và số người ở tầng lớp trung lưu đang tiếp tục tăng thêm 1,5 triệu mỗi năm. 




Hiện nay có khoảng 30.000 người Việt Nam đang học ở Australia và có tiềm năng còn tăng cao hơn nữa. Đang có nhu cầu cao cho cả đào tạo tiếng Anh lẫn kỹ thuật số. Nền kinh tế Việt Nam và Australia bổ sung rất tốt cho nhau. 

Tuy nhiên, ngoài những cơ hội này, cũng có một số thách thức địa chính trị. Kể từ khi ký kết quan hệ đối tác chiến lược, môi trường chiến lược đã bị xem là xấu đi. Trước đó, khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” vẫn còn ở trong trứng nước, chưa trở thành thuật ngữ ưa thích của khu vực. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lúc đó còn chưa bắt đầu đầy đủ để đưa đến cả cái lợi và cái hại cho kinh tế khu vực, và Việt Nam nằm ở đầu danh sách cả ở trong mặt lợi và mặt hại. 

Trung Quốc cưỡng ép 


Khi Hà Nội chào đón ông Morrison, Việt Nam đang đối mặt với sự cưỡng ép của Trung Quốc khi dân quân biển và hải cảnh Trung Quốc hộ tống cho các tàu khảo sát hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Ngoài nước Mỹ, phản ứng quốc tế với sự cố đang diễn ra trên biển này khá im lặng. 

Australia vẫn chưa dứt khoát chỉ trích hành động của Bắc Kinh. Canberra đã ký các tuyên bố chung trong các khuôn khổ từ AUSMIN và thể chế ba bên Mỹ - Australia -Nhật, trong đó ám chỉ sự kiện này như “những hành vi phá hoại” đối với các dự án dầu khí và hoạt động đánh cá ở Biển Đông. 


Загрузка...


Chính phủ Morrison nhậm chức ở thời điểm quan hệ Australia với Trung Quốc đang ngày càng khó kiểm soát trên nhiều mặt. Khi ông Morrison ngồi xuống đàm phán với lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội tuần này, ông có thể dự kiến phải đối mặt các câu hỏi về sự nhất quán của Australia trong chính sách Biển Đông. 

Trong trường hợp lý tưởng, người Việt sẽ muốn các hỗ trợ ngoại giao và thực tế từ Canberra được hậu thuẫn bằng cách các công ty khai thác dầu khí Australia làm đối tác thương mại với những công ty Việt Nam trong các vùng biển tranh chấp. Đơn giản là làm sao có thể là đối tác chiến lược nếu hai nước không thể tin cậy lẫn nhau trong những chương trình thảo luận an ninh quan trọng? 

Tinh thần độc lập của Việt Nam được phản ánh không chỉ trong các vấn đề truyền thống về chủ quyền mà còn trong cách họ quản lý tác động của công nghệ tương lai. Việt Nam có tham vọng mạng 5G và chia sẻ lo ngại về công nghệ HuaWei. Các công ty viễn thông Việt Nam đã hợp tác với Ericsson và đã thử nghiệm thành công mạng này ở Hà Nội. 

Nếu giai đoạn hai hoàn thành, Việt Nam sẽ ở trong những nước đi đầu về mạng 5G mà không phụ thuộc vào Huawei - điều có lợi cho Australia khi họ đã loại bỏ công nghệ Trung Quốc. 




Hiện nay Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ hai về điện thoại thông minh và rào cản thuế quan hiện tại đánh vào linh kiện điện tử Trung Quốc đã làm tăng số lượng xuất khẩu của Việt Nam. Samsung và LG của Hàn Quốc cũng đã rời nhà máy sản xuất bán dẫn đến Việt Nam. Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu - người đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược với Australia năm ngoái - đã coi cách mạng công nghiệp 4.0 là một chính sách chìa khóa cho Việt Nam. 

Với Canberra, tầm quan trọng của Việt Nam không chỉ là quan hệ song phương của họ với Trung Quốc mà còn là sự gia tăng vai trò ngoại giao và chiến lược trong khu vực. Khi nắm giữ ghế Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 cùng với việc nhận ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, Hà Nội sẽ nhìn nhận thế nào về khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương” là điều rất quan trọng cho tương lai của ý tưởng này. 

Cần lưu ý rằng Việt Nam sẽ là chủ tịch đầu tiên của ASEAN sau khi áp dụng “tầm nhìn ASEAN” về Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây là cơ hội cho Morrison để chia sẻ các nguyên tắc chỉ dẫn của Australia trong khu vực thay đổi nhanh chóng như Ấn Độ - Thái Bình Dương. 

Nguồn: https://www.afr.com/world/asia/what-vietnam-is-looking-for-from-scott-morrison-s-visit-20190820-p52iul

Post a Comment

Tin liên quan

    -->