Việt Nam sốt sắng nhập khẩu hàng Mỹ để xoa dịu Trump

Với thâm hụt thương mại Mỹ gia tăng và nỗi lo về nguy cơ bị Trump đánh thuế, Việt Nam đang vội vàng nhập khẩu thêm nhiều sản phẩm “Made in America”.


Tổng thống Trump năm nay đã mô tả Việt Nam là “kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong mọi người” khi đề cập về thương mại, và đã áp đặt mức thuế cao vào một số sản phẩm thép của Việt Nam. 

Được tăng cao một phần do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã nhảy vọt thêm 33% so với năm trước, đạt 36 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay dựa trên dữ liệu mới nhất của Cục Thống kê Mỹ. Bởi vậy, thâm hụt thương mại giữa hai nước chắc chắn sẽ tăng thêm khoảng 25% và thương mại song phương sẽ vượt quá 50 tỷ USD. 



Sự mất cân bằng thương mại này đang tạo ra vấn đề đau đầu về logistic cho vận tải hàng hóa đường không khi những doanh nghiệp lớn như Nintendo, Google, Lenovo và Foxconn đã chuyển thêm các cơ sở sản xuất giá trị cao đến Việt Nam. Sự dịch chuyển đó cộng với “dinh lũy” khổng lồ của Samsung ở Việt Nam khiến chính phủ nhận thức sâu sắc về nguy cơ bị đưa vào tầm ngắm đánh thuế của tổng thống Mỹ. 

Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng lập trường mạnh mẽ của Việt Nam chống lại yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông có thể ngăn cản Washington xuống tay. 

Phung Anh Tuan - đối tác quản lý VCI Legal nói: “Tôi tin rằng Việt Nam có nhu cầu đáng kể với các sản phẩm Mỹ và nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng. Việt Nam đang làm việc trong nhiều cách để giảm đáng kể thâm hụt thương mại vì khoản thâm hụt này không thực sự mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam mà chủ yếu là cho các doanh nghiệp FDI như Samsung và Foxconn”. 


Bên cạnh việc chấn chỉnh việc dán nhãn giả “Made in Vietnam” lên hàng Trung Quốc, Việt Nam cũng đã đẩy nhanh tốc độ cho dự án khí hóa lỏng trị giá 5 tỷ USD ở phía Nam tỉnh Bình Thuận - nơi sẽ nhập khẩu khối lượng lớn khí hóa lỏng từ Mỹ. 

Chính phủ Việt Nam cũng được báo cáo là đang nhắm mục tiêu nhập khẩu nhiều hơn từ các bang ủng hộ Tổng thống Trump trong bầu cử với các mặt hàng chủ yếu là than, thịt lợn và động cơ máy bay. 

Ông Phung Anh Tuan nói: “Một khi giá cả trở nên chấp nhận được cho người tiêu dùng địa phương và cạnh tranh được với các sản phẩm tương tự của Trung Quốc, thủy hải sản đông lạnh, các sản phẩm nông nghiệp và hàng công nghệ cao có thể tăng trưởng mạnh nhất”. 

Tuy nhiên liệu hàng hóa Mỹ có hạ giá thành nhiều hay không còn tùy thuộc vào cước vận tải. Paul Khoa - Chủ tịch T&M Forwarding trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống chi phí vận tải cao hơn vì quy định về giảm lượng lưu huỳnh oxit trong IMO 2020 sắp tới sẽ tác động rất lớn đến các tuyến vận tải biển”. 


Tuy nhiên một loạt hàng hóa Mỹ đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhập khẩu vào Việt Nam. Ông Paul Khoa nói: “Trong 8 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức trung bình của tổng nhập khẩu. Máy tính, linh kiện điện tử và phụ tùng đã tăng 50% trong khi quần áo và giày dép tăng 15%. Các sản phẩm thịt, đặc biệt là thịt gà đông lạnh, hải sản tươi, trái cây và các sản phẩm nông nghiệp khác cũng tăng trưởng đáng kể”. 

Tuy nhiên tăng trưởng nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam cũng có thể bị cản trở vì danh sách các thỏa thuận tự do thương mại ngày càng dài của Việt Nam, bao gồm thỏa thuận mới đây với EU và CPTPP. Những thỏa thuận này sẽ cắt giảm chi phí hàng hóa cho nhiều đối thủ cạnh tranh của Mỹ như Australia, New Zealand, Nhật Bản và Canada. 



Tuy nhiên cũng có ý kiến từ phía Mỹ cho rằng điều này sẽ tạo ra một chiều hướng tốt để Mỹ tái tham gia CPTPP khi Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang Mỹ và sự dịch chuyển các nguồn lực từ Trung Quốc sang Việt Nam. 


Post a Comment

Tin liên quan

    -->