Báo Nga nói Philippines có thể là người đầu tiên mua BrahMos

Hợp đồng xuất khẩu đầu tiên của tên lửa hành trình siêu thanh tầm trung do Nga và Ấn Độ liên doanh là BrahMos có thể được ký kết trong mùa xuân năm 2020 này, theo lời Tổng Giám đốc liên doanh BrahMos Praveen Pathak.

Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin nói với Sputniknews rằng BrahMos là dự án hợp tác kỹ thuật quân sự thành công nhất giữa Nga và Ấn Độ. Gần đây công ty BrahMos đã tích cực tiếp thị loại tên lửa chống hạm này ở Đông Nam Á và Trung Đông với tổng cộng 14 nước đã được chào hàng. 



Ấn Độ được Nga trợ giúp đã ra mắt một gia đình các tên lửa siêu thanh dòng BrahMos với khả năng bắn được cả mục tiêu trên bộ và trên biển với tốc độ lên đến Mach 2,8 (tức gấp 2,8 lần vận tốc âm thanh). Các phiên bản cho hải quân dựa trên nền tảng thiết kế của tên lửa chống hạm siêu thanh Onyx của Nga. 

Các phiên bản tên lửa cho lực lượng trên bộ và trên không với tầm bắn được kéo dài được phát triển trên cơ sở các tên lửa chống hạm của Nga. Hiện tại, Ấn Độ, với sự giúp đỡ của Nga, đã bắt tay sản xuất những tên lửa như vậy với công suất hàng chục quả mỗi năm. 

Ấn Độ từ lâu đã mong muốn xuất khẩu tên lửa BrahMos vì đây sẽ là một bước tiến quan trọng trên con đường để nước này chuyển mình từ nhà nhập khẩu vũ khí lớn sang một trung tâm công nghiệp quân sự quan trọng. 


Đông Nam Á và Trung Đông là những khu vực đang đóng vai trò ưu tiên trong chính sách đối ngoại và quan hệ kinh tế của Ấn Độ. Ấn Độ có ảnh hưởng đáng kể ở những vùng này và đó là lý do vì sao họ đã chọn những nơi này là hướng chính trong việc thúc đẩy để bán tên lửa. 

Đã có những cuộc thảo luận về khả năng cung cấp tên lửa BrahMos cho Việt Nam một vài lần nhưng Việt Nam đã mua hệ thống tên lửa bờ biển của Nga với đạn tên lửa được sử dụng là phiên bản xuất khẩu của tên lửa Onyx. 

Theo báo cáo truyền thông mới nhất, Philippines có thể trở thành nước đầu tiên mua tên lửa BrahMos. Tháng 12/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines là Delfin Lorenzana nói nước này đã quan tâm đến việc mua 2 hệ thống BrahMos và gợi ý rằng hợp đồng có thể được ký trong nửa đầu năm 2020. 


Việc Philippines mua sắm những hệ thống tên lửa chống hạm mạnh mẽ là một bước đi logic. Một quốc đảo với hơn 100 triệu dân đòi hỏi những phương tiện để kiểm soát các vùng quan trọng ngay bên cạnh. 

Việc bình thường hóa quan hệ Trung Quốc - Philippines dưới chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte cũng không làm phủ định sự cần thiết của việc có tên lửa. Hai hệ thống tên lửa sẽ không làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực nhưng việc Philippines có khả năng tự vệ mà không cần cầu cạnh Mỹ và đồng minh của Mỹ là một vấn đề quan trọng với khu vực này. Một hợp đồng liên quan đến sự tham gia của Nga, dù không trực tiếp, chắc chắn sẽ làm Mỹ không vui. 

Việc tăng cường hợp tác Ấn Độ - Philippines đã diễn ra sau khi Narendra Modi đảm nhiệm chức Thủ tướng Ấn Độ. Tháng 11/2017, Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên thăm Philippines. Chính sách đối ngoại của Philippines được xây dựng xoay quanh một sự cân bằng Mỹ - Trung là điều có thể hiểu được và không có nước nào khác có thể sánh với ảnh hưởng của hai nước này trong kinh tế và chính trị Philippines. Tuy nhiên, khi Philippines di chuyển đến chính sách đa phương, việc họ tìm kiếm hợp tác gần gũi với càng nhiều đối tác càng tốt là điều có thể hiểu được. 


Khả năng Philippines mua tên lửa của liên doanh Nga - Ấn cho thấy rằng các nước lớn khác đang hoạt động chậm rãi nhưng chắc chắn để biến một đàn em của Mỹ thành một đất nước độc lập về chính trị và điều này có vai trò quan trọng cho lợi ích của Nga và Trung Quốc. 

Theo Sputniknews 

Post a Comment

Tin liên quan

    -->