Trung Quốc nói vội vã đàm phán giai đoạn 2 là không khôn ngoan

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã nói rằng Bắc Kinh không mấy quan tâm đến việc bắt đầu ngay lập tức cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 với Mỹ. Đây là một sự từ chối lịch sự đối với đề nghị sớm đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2 của Tổng thống Trump.

Ông Lưu Hạc cho rằng nếu Trung Quốc và Mỹ nhanh chóng tiến đến các cuộc thảo luận về giai đoạn 2 ngay sau khi thỏa thuận giai đoạn 1 vừa mới ký thì hai nước sẽ hành động giống như “một con gấu lạc giữa cánh đồng ngô”. 



Phát biểu với truyền thông Trung Quốc ở Washington sau khi ký thỏa thuận thương mại một phần với Trump, ông Lưu Hạc nói: “Chúng tôi có thể không có gì nếu chúng tôi vội vã đi đến giai đoạn 2 trước khi giai đoạn một hoàn thành đúng đắn. Tôi không nghĩ việc nóng lòng bắt đầu một vòng đàm phán mới là lựa chọn khôn ngoan”. 

Bình luận của ông Lưu cho thấy sự khác biệt lớn với những bình luận của Tổng thống Mỹ - người chỉ vài giờ trước đó đã nói rằng hai nước sẽ “bắt đầu giai đoạn 2 ngay sau khi giai đoạn 1 khởi động”. 

Sau hàng tháng đàm phán và leo thang thuế quan, hai bên đã đồng ý dừng cuộc chiến tranh thương mại 18 tháng - một cuộc chiến đã phá hoại chuỗi cung ứng toàn cầu và làm chấn động thị trường. 


Mặc dù hầu hết thuế Mỹ đánh vào hàng Trung Quốc vẫn được duy trì nhưng Mỹ đã đồng ý giảm thuế vào một số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và gợi ý giảm thuế hơn nữa nếu đạt được thỏa thuận giai đoạn 2. 

Đối với Lưu Hạc - cố vấn kinh tế đáng tin cậy nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, thì giá trị quan trọng nhất của thỏa thuận giai đoạn 1 này là Trung Quốc và Mỹ có thể quản lý các khác biệt thông qua đối thoại. 

Ông Lưu Hạc nói: “Thỏa thuận này đã chứng minh đầy đủ rằng dù có bao nhiêu khác biệt, chúng ta có thể làm việc với nhau. Sự hợp tác này không chỉ tốt cho Trung Quốc và Mỹ mà còn cho cả thế giới”. 


Ông Lưu đã cố gắng đặt thỏa thuận này trong bối cảnh lịch sử bằng cách trích dẫn các căng thẳng địa chính trị giữa các cường quốc châu Âu hồi đầu thế kỷ 20, nói rằng sẽ là nguy hiểm khi “giới tinh hoa và công luận của một nước có khuynh hướng sử dụng cách tiếp cận cứng rắn với một nước khác”. 

Mặc dù ông Lưu Hạc không nói chi tiết nhưng người ta hiểu rõ ràng rằng ông đang đề cập đến sự gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. 

Sự tạm ngừng xung đột thương mại này cũng nói một phần đến sự tách biệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Lưu Hạc được trích dẫn nói rằng: “Tôi nghĩ nó không thực tế. Một số ít người không có hiểu biết về kinh tế đang nói về sự chia lìa giữa Trung Quốc và Mỹ nhưng trong thực tế đó là điều không thể xảy ra - một chuỗi giá trị toàn cầu đã được hình thành mà trong đó ‘trong anh có một phần của tôi và trong tôi có một phần của anh’,”. 

Đang tải...

Lưu Hạc - người được biết đến như một nhà cải cách trong giới lãnh đạo Bắc Kinh và coi trọng vai trò của thị trường, đã nói rằng thỏa thuận với Mỹ cũng sẽ giúp cải cách ở nội địa, thúc đẩy cạnh tranh công bằng và kiềm chế cạnh tranh không công bằng. 

Ông nói: “Nếu chúng ta nhìn lại 10 năm trước, chúng ta có thể thấy rằng nó đã tạo ra một cú hích rất tích cực cho sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc”. 

Bảo vệ sở hữu trí tuệ là một trong các cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1 và ông Lưu nói rằng Trung Quốc cần có những luật pháp tốt hơn trong lĩnh vực này vì những lợi ích và sự bảo vệ cho bản thân họ. 

Theo SCMP

Post a Comment

Tin liên quan

    -->