Indonesia ra mắt UAV có thể mang tên lửa trong bối cảnh căng thẳng với TQ

Trong những thời điểm thông thường, việc Indonesia tiết lộ máy bay không người lái có khả năng mang tên lửa do nhà sản xuất vũ khí nội địa phát triển sẽ không khiến nhiều người chú ý.

Tuy nhiên thực tế là việc ra mắt nguyên mẫu máy bay không người lái MALE của họ diễn ra đúng vào ngày mà Jakarta trao một công hàm ngoại giao phản đối Bắc Kinh cho nên nó đã gây ra xôn xao dù cho là vô tình. 

Tuần trước Indonesia đã phản đối Bắc Kinh vì cáo buộc đánh cá bất hợp pháp và sự hiện diện của cảnh sát biển Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của họ ngoài khơi đảo Natuna hồi tháng trước. 



Hôm 5/1, quân đội Indonesia nói rằng các tàu Trung Quốc vẫn ở trong khu vực này bất chấp sự phản đối ngoại giao. Tờ Bưu điện Jakarta đưa tin rằng các tàu Trung Quốc được tàu hải cảnh hộ tống đã được thấy đánh bắt cá ở vị trí cách Natuna khoảng 200 km. 

Hai tàu chiến Indonesia đã được triển khai để đuổi những tàu Trung Quốc ra khỏi khu vực. Tuy nhiên các quan chức Trung Quốc được đưa tin nói rằng những tàu này đang hoạt động “thông thường” để khẳng định quyền của Trung Quốc ở gần quần đảo Trường Sa. 

Bộ Ngoại giao và các nghị sỹ Indonesia tuần trước đã có những chỉ trích làm sống lại nỗi ám ảnh về một loạt vụ đụng độ hàng hải với Trung Quốc năm 2016 khi có một giai đoạn Bắc Kinh có các hành vi hung hăng trong việc khẳng định chủ quyền với một vùng rộng lớn ở Biển Đông và chồng lấn lên cả chủ quyền của các nước Đông Nam Á. 


Trong một trong 3 vụ đụng độ đó đã có việc nổ súng cảnh báo, một tàu hải cảnh Trung Quốc đâm vào một tàu công vụ của Indonesia để giải cứu cho tàu đánh cá Trung Quốc và trong một vụ khác, tàu chiến Indonesia đã bắt giữ một tàu đánh cá Trung Quốc và thủy thủ đoàn gần đảo Natuna. 

Evan A.Laksmana - nhà nghiên cứu cao cấp chuyên về các vấn đề quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Jakarta nói: “Từ 2016 đến nay, đã có một số vụ việc nhỏ. Tôi nghĩ công bằng mà nói thì đây là một sự leo thang so với vài năm trước”. 

Laksmana nói rằng mặc dù việc ra mắt nguyên mẫu UAV của Indonesia do nhà sản xuất PT Dirgantara chế tạo không phải một phản ứng với sự việc mới nhất vì nó đã được dự kiến từ hàng tuần trước, tuy nhiên “thật khó để không xem đây là một sự phô trương sức mạnh khi bạn nhìn vào các tàu đánh cá được hộ tống bởi tàu hải cảnh Trung Quốc”. 


Hai nguyên mẫu UAV mang tên MALE sẽ tiếp tục thử nghiệm trong năm 2020. Theo các quan chức của Dirgantara, sản phẩm cuối cùng sẽ có thể mang vũ khí, bao gồm tên lửa không đối đất và có thể hoạt động liên tục hơn 24 giờ. 

Các quan chức nói rằng UAV này được dùng vào theo dõi cháy rừng, buôn lậu và cướp biển - nhưng cũng nhấn mạnh rằng nó sẽ có thể là một phần nỗ lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Indonesia. 

Bất chấp việc TQ trở thành một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Indonesia, Jakarta lo ngại các nỗ lực khẳng định quyền kiểm soát của Bắc Kinh trên những vùng biển trong đặc quyền kinh tế của Indonesia. 

Đang tải...

Trong hàng thập kỷ, chính sách chính thức của Indonesia là không đặt mình vào một bên trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc. 

Năm 2016, sau 3 vụ đụng độ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố rằng đường 9 đoạn họ đề xuất bao gồm “ngư trường truyền thống” trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Jakarta phản ứng bằng cách đóng thêm binh sỹ lên các đảo và đổi tên vùng biển ngoài khơi Natuna thành Biển Bắc Natuna để củng cố yêu sách của mình. 


Mọi việc gần như là chìm lắng xuống, ít nhất là về mặt công khai, cho đến khi sự cố mới nhất xảy ra - một việc được cho là đã xảy ra vào thời điểm nào đó từ giữa tháng đến cuối tháng 12/2019. Indonesia từ đó công bố tăng tuần tra hải quân trong vùng này. Việc này có vẻ là để xoa dịu áp lực trong nước sau những cằn nhằn của các nhà lập pháp. 

Lược từ SCMP

Post a Comment

Tin liên quan

    -->