Tàu sân bay Mỹ thăm VN lần 2, TQ cử tàu dầu khí ra Hoàng Sa

Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt sẽ thăm Việt Nam trong tuần này với điểm dừng chân dự kiến là thành phố duyên hải Đà Nẵng vào ngày mai.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. 

Được thiết kế như một cử chỉ biểu tượng về sự thống nhất giữa bối cảnh căng thẳng đang âm ỉ ở Biển Đông, chuyến thăm tàu lần này có thể là một thông điệp gửi cho Trung Quốc. 

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương John C. Aquilino và Tổng lãnh sự Marie Damour sẽ đại diện phái đoàn Mỹ tại buổi tiếp đón vào thứ 5 với sự có mặt của nhiều quan chức Việt Nam. 



Bill Hayton - thành viên nghiên cứu tại Chương trình châu Á - Thái Bình Dương thuộc Chatham House, cho rằng chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ lâu. Ông Hayton nói: “Các chuyến thăm viếng tàu cần nhiều thời gian để tổ chức cho nên tôi nghĩ việc này đã được lên kế hoạch vài tháng trước. Thông điệp của nó là chứng minh sự phát triển hơn nữa quan hệ quân sự giữa hai nước. Cũng có thể có một chút nghi ngờ rằng thông điệp này là nhằm gửi cho Trung Quốc”. 

Hayton, người đã viết cuốn sách “Biển Đông: Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á” nói thêm rằng: “Điều có ý nghĩa là chuyến thăm này diễn ra ở thời điểm căng thẳng đã lên cao ở Biển Đông. Năm ngoái, Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và Malaysia bằng các tàu khảo sát dầu khí được hộ tống bởi tàu hải cảnh. Đầu năm nay, họ cử những đội tàu đánh cá cũng được hải cảnh hộ tống, tiến vào EEZ của Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Việt Nam không thể bảo vệ các tài nguyên biển của mình trước Trung Quốc nên họ đang tìm kiếm những hỗ trợ quốc tế cho mình”. 

Sự kiện này sẽ đánh dấu lần thứ hai tàu sân bay Mỹ cập cảng Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Hồi tháng 3/2018, tàu sân bay USS Carl Vinson với hơn 5000 nhân viên đã thực hiện sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam kể từ khi những người cộng sản giành chiến thắng và lính Mỹ phải rút lui khỏi đất này. 

Ngay sau khi tàu USS Carl Vinson cập cảng, các sĩ quan trong đồng phục hải quân đã thực hiện một buổi hòa nhạc vui vẻ cho những trẻ em nạn nhân chất độc da cam. Buổi diễn này như một ẩn dụ về sự cải thiện tình bạn và quan hệ đang nảy nở giữa hai kẻ cựu thù. 


Một nhà ngoại giao ở Hà Nội, người từ chối công khai tên vì ông không được phép phát biểu với truyền thông, cho rằng chuyến thăm năm nay là một phần của lễ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa việt Nam và Mỹ. Ông nói: “Sự hiện diện của con tàu này ở Việt Nam có thể không làm phiền Trung Quốc, nhưng tiếp theo con tàu này sẽ đi đến đâu có thể là điều Trung Quốc lo ngại”. 

Carl Thayer - giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales Canberra và là chuyên gia khu vực về Đông Nam Á, nói rằng chuyến thăm của tàu sân bay USS Theodore làm nổi bật rằng nước Mỹ “có ý định duy trì sức mạnh hải quân ưu việt ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông” như thế nào. 

Trong nhiều tài liệu chiến lược, Mỹ đã xác định Trung Quốc là một đối thủ, một người cạnh tranh. Các tài liệu này cũng xác định Việt Nam như một đối tác chiến lược ưu tiên và chỉ trích Trung Quốc vì các hành động hăm dọa ở Biển Đông. 

Ông Thayer nói: “Chuyến thăm đến Đà Nẵng của tàu USS Theodore Roosevelt là một trong 3 mũi nhọn của chiến lược quân sự Mỹ. Những mũi nhọn này là: Tiếp tục tuần tra hiện diện hải quân, tiếp tục tuần tra bằng máy bay ném bom và tiếp tục tuần tra tự do hàng hải. Chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt là một minh chứng về cam kết của Mỹ với khu vực này và rằng sự hiện diện của họ ở Biển Đông được Việt Nam chào đón”. 


Trong khi đó, theo các quan chức an toàn hàng hải ở Hải Nam, Trung Quốc đã cử tàu khai thác năng lượng Hai Yang Shi You 719 vào các khu vực gần quần đảo Hoàng Sa từ 27/2 đến 30/4. Hoạt động này trùng với chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam. 

Giáo sư Thayer cho rằng: “Trên bề mặt, sự triển khai tàu Hai Yang Shi You 719 có lẽ vừa là một quyết định thương mại, vừa là để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc thực sự bị làm phiền bởi chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng thì họ sẽ đáp trả bằng một số hành động chứng tỏ khả năng hải quân và không quân của họ”. 

Ông Thayer cũng phân tích thêm, nói rằng: “Trung Quốc và Việt Nam đã đang xung đột về yêu sách với Hoàng Sa. Các học giả Trung Quốc hiện nay đang theo gương tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á bằng cách xuất bản các tin tức về dân quân biển và tàu đánh cá Việt Nam dựa trên dữ liệu từ hệ thống nhận dạng tự động. Các báo cáo gần đây của Trung Quốc đã chỉ ra rằng có sự gia tăng hiện diện của tàu đánh cá Việt Nam ở Hoàng Sa. Sự triển khai của tàu Hai Yang Shi You 719 có lẽ là một phản ứng của Trung Quốc”. 

Lược từ SCMP

Post a Comment

Tin liên quan

    -->