Ấn Độ và TQ trước ngưỡng một cuộc đấu thương mại

Cuộc đụng độ biên giới chết người hồi tháng trước giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã bắt đầu ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh doanh và công nghệ. Nhưng hai quốc gia đông dân nhất thế giới này có nhiều thiệt hại nếu như tranh chấp leo thang thành một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.

New Delhi đã cho thấy rằng họ sẵn sàng sử dụng áp lực kinh tế lên người láng giềng. Các tổ chức thương mại ở Ấn Độ đã báo cáo hồi tuần trước rằng hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã đột ngột bị giữ ở các điểm kiểm soát của Ấn Độ trong khi nhà chức trách ở một bang đã tạm dừng các hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD của Trung Quốc. Đầu tuần này Ấn Độ đã thực hiện một lệnh cấm gây sốc với hàng chục ứng dụng điện thoại của Trung Quốc, bao gồm cả ứng dụng nổi tiếng như TikTok và WeChat và mạng xã hội Weibo. 

Người dân Ấn Độ biểu tình phản đối Trung Quốc sau vụ đụng độ biên giới hồi tháng 6. 

Sự phản ứng đã lên đến cấp độ chính trị cao nhất: Weibo nói trong tuần này rằng họ đã gỡ tài khoản của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi theo yêu cầu của chính phủ Ấn Độ. 

Phản ứng của Bắc Kinh cho đến nay vẫn thận trọng. Các quan chức Trung Quốc hôm 30/6 nói rằng họ “quan ngại sâu sắc” về lệnh cấm các ứng dụng này nhưng họ không đe dọa bất kỳ biện pháp đáp trả nào. Vào hôm 3/7, nữ phát ngôn của Bộ ngoại giao TQ nhấn mạnh rằng hai nước nên làm việc với nhau, nói thêm rằng các hàng rào đối với sự hợp tác “sẽ gây hại cho lợi ích Ấn Độ”. Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đã kêu gọi cần có những cái đầu “lạnh hơn” để thắng thế. 

Bà Geethanjali Nataraj - giáo sư kinh tế tại Việt Hành chính công Ấn Độ nói: “Đến lúc này Trung Quốc chỉ đang đánh giá tình hình. Một cuộc chiến tranh thương mại sẽ không có lợi cho cả hai nước”. 

Trung Quốc có một vài đòn bẩy nếu họ chọn đáp trả lệnh cấm ứng dụng di động của Ấn Độ. Từ lâu Trung Quốc đã là đối tác thương mại sống còn của Ấn Độ. Từ 2019 đến tháng 3/2020, Ấn Độ đã mua 65 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, chiếm đến 14% tổng nhập khẩu của họ, theo dữ liệu từ chính phủ Ấn Độ. 



Trong khi đó Trung Quốc mua 16,6 tỷ USD hàng hóa từ Ấn Độ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ trong cùng thời kỳ nói trên, chỉ đứng sau Mỹ, và đó là còn chưa tính giá trị thương mại với Hong Kong. 

Ấn Độ chiếm một phần nhỏ hơn nhiều trong tổng thương mại của Trung Quốc. Xuất khẩu đến Ấn Độ chỉ chiếm 3% tổng xuất khẩu của Trung Quốc năm 2019, theo thống kê của chính phủ Trung Quốc. Và Ấn Độ chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Trung Quốc trong năm ngoái. 

Nhưng các nhà phân tích nói với CNN đã nhấn mạnh rằng bất kỳ loại hình tác chiến nào, dù là kinh tế hay cái khác với người láng giềng châu Á này cũng sẽ là tốn kém với Bắc Kinh. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã đang phải xoay sở với các áp lực trên nhiều mặt trận, bao gồm các phản ứng của phương Tây với đạo luật an ninh mới cho Hong Kong và việc xử lý dịch Covid của họ. Trung Quốc cũng đang phải xoay sở với khó khăn kinh tế, bao gồm sự suy giảm lịch sử của quý 1 và gia tăng thất nghiệp. 

Deng Yewen - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Chiến lược Trung Quốc có trụ sở tại Mỹ nói rằng: “Trung Quốc đang giữ một phương châm cứng rắn về tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ nhưng không muốn có một cuộc đối đầu”. 



Bà Nataraj của IIPA chỉ ra rằng Trung Quốc cũng có vẻ không muốn gây nguy hại cho quan hệ thương mại của họ với Ấn Độ vì thực tế rằng nước này vẫn bán hàng chục USD hàng hóa đến Ấn Độ mỗi năm. 

Bà nói: “Các công ty Trung Quốc đã đang phải đối mặt với sự hạn chế thương mại từ Mỹ và các nước khác, và họ đã đối mặt với những điều vượt quá khả năng. Do vậy, không dễ để Trung Quốc bỏ đi một thị trường lớn như Ấn Độ”. 

Mặc dù vậy, vẫn có những xem xét chính trị cho Bắc Kinh. Deng nói Trung Quốc không thể quá “mềm” trong tranh chấp lãnh thổ nếu không họ có thể gặp sự giận dữ của công chúng. 

Deng nói thêm: “Công chúng Trung Quốc không nghĩ Trung Quốc nên nhượng bộ Ấn Độ. Trong quan niệm của người dân, Trung Quốc và Ấn Độ giống như hai võ sĩ ở hai hạng cân khác nhau và không khó để hạng cân nặng đánh bại hạng cân nhẹ”. (Tuy nhiên Ấn Độ có kinh nghiệm về tác chiến mặt đất và không quân, các nghiên cứu gần đây đã nêu ý kiến rằng Ấn Độ vẫn duy trì được ưu thế ở môi trường núi cao). 

Sự tiến thoái lưỡng nan của Ấn Độ 

Trong khi đó, Ấn Độ có vẻ “mất nhiều hơn” nếu tham gia vào một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Giống như nhiều nước khác, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này đã bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid và các biện pháp phong tỏa mà họ áp dụng để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Sản xuất công nghiệp đã suy giảm đáng kể trong mùa xuân này trong khi công nghiệp dịch vụ thì sụp đổ. Các hoạt động kinh doanh vẫn đang phải vật lộn cho đến tháng 6, theo dữ liệu về lĩnh vực dịch vụ được công bố hôm 3/7. 

Nataraj nói rằng nhiều ngành công nghiệp ở Ấn độ - gồm điện tử, y dược và phần cứng công nghệ thông tin - đang phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc. 


Các công ty vận tải và chuyển phát đã xác nhận rằng tranh chấp này đã đang gây ra đổ vỡ. Công ty DHL Express India nói với CNN rằng họ đang “tạm thời ngừng nhận các chuyến hàng nhập khẩu từ đại lục Trung Quốc, Hong Kong, Macau vì những trì hoãn gần đây trong việc thông quan hàng hóa vào Ấn Độ”. 

Còn FedEx thì nói rằng “hàng tồn đọng gần đây vượt ngoài kiểm soát của chúng tôi, dẫn tới tắc nghẽn tại các cơ sở của chúng tôi”. 

Bà Nataraj nói: “Mặc dù kêu gọi sử dụng các sản phẩm trong nước không có gì sai nhưng tác hại ngay lập tức của làn sóng chống Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của mạng lưới sản xuất Ấn Độ”. Bà cũng nói thêm rằng tùy tiện hạn chế nhập khẩu hoặc tẩy chay tiêu dùng sẽ là tự lấy đá ghè vào chân. 

Sự trả đũa tiềm năng 

Ngay cả khi cả hai nước có lý do để không tham gia vào một cuộc chiến thương mại thì các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng những cảm xúc bột phát có thể đẩy họ leo thang. 

Kanti Bajpai - giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, người nghiên cứu về chính sách đối ngoại Ấn Độ và quan hệ Ấn - Trung nói rằng: “Có một hiểu biết rõ ràng ở Ấn Độ rằng Trung Quốc có thể trả đũa và rằng Ấn Độ phụ thuộc vào các sản phẩm Trung Quốc nhiều hơn những cái khác nhưng tâm trạng ở Ấn Độ là phẫn nộ và giận dữ. Nếu đối đầu dai dẳng, Ấn Độ có thể chọn các hành động kinh tế và thương mại”. 



Để đáp trả, Bắc Kinh có thể trì hoãn một số quyền truy cập thị trường mà họ đã hứa cho Ấn Độ trong các lĩnh vực như dược và nông nghiệp. Theo Rick Rossow ở Phòng nghiên cứu chính sách Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington thì Trung Quốc cũng có thể thu hồi một số dự án mới mà họ dự kiến thực hiện ở Ấn Độ. 

Đầu tư từ Trung Quốc đã chảy vào các doanh nghiệp khởi nghiệp Ấn Độ và lĩnh vực sản xuất nhưng nó đã trở thành tranh cãi. Hồi tháng 4, chính phủ Ấn Độ đã thông báo rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước có chung đường biên giới trên bộ với Ấn Độ sẽ là đối tượng phải chú ý nhiều hơn. 

Rossow nói: “Hậu quả kinh tế của những động thái này chắc chắn là khiêm tốn vào lúc đầu nhưng tác động lớn hơn có thể đến nếu Ấn Độ quyết định tách khỏi Trung Quốc và củng cố các quan hệ chiến lược mạnh mẽ hơn với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia và Pháp”. 

Theo CNN

Post a Comment

Tin liên quan

    -->