Liệu Việt Nam có thành “phép màu châu Á” tiếp theo?

Trong những ngày Trung Quốc công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, Việt Nam đã huy động lực lượng để ngăn chặn sự lây lan của virus. Sử dụng khối lượng lớn các phương tiện tuyên truyền trên báo, phát thanh, truyền hình và áp phích tờ rơi, chính phủ đã cổ động 100 triệu dân trong nước xác định và truy vết các nguồn lây nhiễm. Cách ly nhanh chóng những nơi bùng phát dịch đã giúp tỉ lệ tử vong của Việt Nam nằm trong 4 nước thấp nhất thế giới - dưới một phần triệu. 



Kiềm chế dịch bệnh cho phép Việt Nam nhanh chóng phục hồi kinh doanh và hiện nay nước này được dự báo là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm nay. Trong khi nhiều nước đang phải chịu những suy giảm nghiêm trọng và phải chạy đến IMF tìm kiếm sự giải cứu tài chính thì Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 3%. Thậm chí ấn tượng hơn là tốc độ tăng trưởng này được dẫn dắt bởi thặng dư thương mại kỷ lục bất chấp sự sụp đổ của thương mại toàn cầu. 

Khoảnh khắc đột phá này đối với Việt Nam đã lâu lắm mới có được. Sau Thế chiến thứ 2 những “phép màu châu Á” - đầu tiên là Nhật Bản, sau đó đến Đài Loan, Hàn Quốc, gần đây nhất là Trung Quốc - đã ra khỏi đói nghèo bằng cách mở cửa cho thương mại, đầu tư và trở thành những cường quốc sản xuất xuất khẩu. 

Hiện giờ Việt Nam đang đi theo cùng một con đường như vậy nhưng trong một kỷ nguyên hoàn toàn mới. Những điều kiện đã tạo ra những phép màu trước kia có thể đã không còn. Sự bùng nổ dân số thời hậu chiến đã kết thúc. Kỷ nguyên của toàn cầu hóa nhanh chóng với tăng trưởng thương mại và dòng chảy đầu tư cũng đã kết thúc. Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại trên toàn cầu. Trong hoàn cảnh này, các siêu cường không còn phớt lờ những chiến thuật mà các phép màu trước đó đã sử dụng để có lợi thế. Tuần trước Mỹ đã chính thức cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ và khởi đầu một cuộc điều tra tương tự như quá trình chiến tranh thuế quan với Trung Quốc. 


Trong những năm bùng nổ, các phép màu châu Á trước đây đã tăng trưởng xuất khẩu gần 20% một năm - gần gấp đôi mức trung bình của các nước thu nhập thấp và trung bình ở cùng thời điểm. Việt Nam đã duy trì một tốc độ tương tự trong 3 thập kỷ. Thậm chí khi thương mại toàn cầu đình trệ trong những năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 16% một năm, là tốc độ nhanh nhất trên thế giới hiện nay, và gấp 3 lần mức trung bình của các nước mới nổi. 

Trong khi các nước mới nổi khác chi tiêu nhiều vào phúc lợi xã hội để xoa dịu cử tri, Việt Nam đã tập trung nguồn lực vào xuất khẩu, xây dựng đường xá và cảng để đưa hàng hóa ra nước ngoài và xây dựng trường học để đào tạo công nhân. Chính phủ đầu tư khoảng 8% GDP mỗi năm vào các dự án xây dựng mới và hiện giờ cơ sở hạ tầng của họ đã đạt bậc chất lượng cao hơn bất kỳ quốc gia nào ở cùng trình độ phát triển. 

Việt Nam cũng lái dòng tiền của nước ngoài vào cùng một hướng. Trong 5 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm trung bình hơn 6% GDP của Việt Nam, đây là tỉ lệ cao nhất trong bất kỳ nước mới nổi nào. Hầu hết trong đó được đưa vào xây dựng cơ sở hạ tầng và liên quan đến cơ sở hạ tầng và hầu hết các khoản đầu tư này hiện nay đến từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Những phép màu cũ này đang giúp xây dựng một phép màu mới. 

Việt Nam đã trở thành một điểm đến ưa thích cho các nhà sản xuất xuất khẩu đang rời Trung Quốc để tìm một nơi có mức lương rẻ hơn. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở Việt Nam đã tăng 5 lần kể từ cuối thập niên 1980 lên gần 3000 USD một người nhưng chi phí lao động mới chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc và lực lượng lao động được đào tạo tốt một cách khác thường so với mức thu nhập của họ. 


Những lao động có kỹ năng này đang giúp Việt Nam “tiến lên những nấc thang”, có lẽ là nhanh hơn bất kỳ đối thủ nào, để sản xuất các hàng hóa ngày càng tinh vi. Công nghệ đã vượt qua dệt may để trở thành ngành dẫn đầu xuất khẩu của Việt Nam năm 2015 và chiếm phần lớn thặng dư thương mại kỷ lục của năm nay. 

Trong kỷ nguyên chủ nghĩa bảo hộ, Việt Nam lại là nhà vô địch về mở cửa biên giới với hơn một tá thỏa thuận tự do thương mại - bao gồm một thỏa thuận bước ngoặt gần đây ký với Liên minh châu Âu. 

Liệu Việt Nam có thể tiếp tục thành công bất chấp các trở ngại tiềm năng như già hóa dân số, suy giảm thương mại? Điều này có thể. Mặc dù tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động của họ đã chậm lại, hầu hết người Việt vẫn sống ở nông thôn cho nên nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng bằng cách chuyển người lao động từ các làng quê ra các nhà máy ở thành thị. Trong 5 năm qua, không có nước lớn nào đã tăng thị phần trong xuất khẩu toàn cầu được nhiều như Việt Nam. 

Và đến nay, chính phủ của họ chưa phạm phải một sai lầm lớn nào về chính sách để có thể dẫn tới cản trở phát triển kinh tế như điều thường xảy ra trong các nước độc đảng. Họ đang tạo làm cho chủ nghĩa tư bản hoạt động tốt một cách bất thường thông qua những chính sách mở và quản lý tài chính hợp lý. 

Phần lớn các nền kinh tế sau chiến tranh tăng trưởng siêu nhanh hoặc phá sản đều được vận hành bởi những chính phủ chuyên quyền. Việt Nam đã duy trì tăng trưởng mạnh mẽ cho đến nay, cơ bản không sa vào các vết xe đổ cổ điển như thâm hụt lớn của chính phủ hoặc nợ công. 


Một vấn đề tiềm năng là sau nhiều vòng tư nhân hóa, chính phủ đã giảm sở hữu các công ty nhưng số lượng vẫn còn lớn, chiếm tới 1/3 các doanh nghiệp. Nếu xảy ra rắc rối, những công ty nhà nước cồng kềnh chiếm phần nhiều trong các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng, có thể sẽ là điểm khởi đầu. 

Đáng phải lưu ý là sự gia tăng nợ cũng dẫn tới khủng hoảng tài chính mà đã đánh dấu sự kết thúc quá trình tăng trưởng liên tục ở Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan và hiện nay đang lơ lửng trên đầu Trung Quốc. Bởi thế trên bất kỳ con đường phát triển nào cũng có hiểm họa. Ngay bây giờ, Việt Nam trông như một phép màu từ một thời kỳ đã qua với xuất khẩu để đi lên thịnh vượng. 

Theo New York Times

https://www.nytimes.com/2020/10/13/opinion/vietnam-economy.html

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn