Diễn biến tình hình Mỹ điều tra VN về tiền tệ

Hôm thứ Ba, các công ty Mỹ đã kêu gọi Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngừng cuộc điều tra về tiền tệ của Việt Nam - việc có thể dẫn tới đánh thuế lên một loạt hàng hóa Việt Nam, và chuyển vấn đề này cho Bộ Tài chính. 

Ông Robert Lighthizer Đại diện Thương mại Mỹ. 



Jerry Cook, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ thương mại và các chính phủ tại HanesBrands Inc nói trong một buổi chính quyền Trump điều trần về việc liệu các nước Đông Nam Á có cố ý để tiền tệ của họ thấp hơn giá trị nhằm giành lợi thế thương mại không công bằng rằng: “Bất kỳ hành động nào của USTR về điểm này cũng đe dọa phá vỡ các đòn bẩy của Bộ Tài chính đối với Việt Nam và khả năng khôi phục cân bằng thị trường”. 

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã khởi động cuộc điều tra tiền tệ này hồi tháng 10 theo Điều 301 của Đạo luật Thương mại 1974. Đạo luật này cho phép USTR đơn phương áp đặt thuế trả đũa để phản ứng với cái mà họ định nghĩa là một hành động ngoại thương không công bằng. 

Đạo luật này chưa bao giờ được sử dụng để điều tra hành động tiền tệ của một nước khác và hành động của Lighthizer trong lĩnh vực này là một sự xâm phạm vào không gian chính sách mà theo truyền thống là thuộc Bộ Tài chính. 

Các nhà công nghiệp lo ngại 

Nhiều lãnh đạo công nghiệp lo ngại rằng Lighthizer và Tổng thống Trump đã sẵn sàng quyết định áp đặt thuế lên Việt Nam trước khi rời chính quyền vào 20/1. Tuy nhiên họ đã dùng buổi điều trần hôm thứ Ba để một lần nữa nhấn mạnh thiệt hại mà hành động này có thể gây ra cho doanh nghiệp của họ cũng như quan hệ của Mỹ với một trong những thị trường phát triển nhanh nhất ở châu Á. 

Họ cũng cảnh báo rằng thuế đánh vào hàng Việt Nam có thể đánh vào hàng hóa tiêu dùng như quần áo và đồ điện tử trong khi đó sẽ khuyến khích Hà Nội trả đũa vào hàng xuất khẩu Mỹ bao gồm từ thịt đến hàng không, điện và thiết bị y tế. 

Nhiều nhà xuất khẩu Mỹ đã đánh mất đơn hàng vì hành động trả đũa của Trung Quốc, Liên minh châu Âu và các nước khác trong phản ứng với các hành động thuế trước đây của chính quyền Trump. 

Maria Zieba - Giám đốc các vấn đề quốc tế tại Hội đồng các nhà sản xuất thịt quốc gia cho biết: “Sau 3 năm đau đớn, những người chăn nuôi lợn Mỹ đơn giản là không thể chịu đựng thêm các loại thuế trừng phạt bị áp đặt bởi Việt Nam hay nước nào khác trên thế giới”. 

Báo cáo của Bộ Tài chính 

Trước đó trong tháng 12, trong một động thái được xem là cung cấp động lực cho cuộc điều tra của USTR, Bộ Tài chính đã chính thức dán nhãn Việt Nam là thao túng tiền tệ trong báo cáo bán niên về hoạt động ngoại hối của các đối tác thương mại chính. 

Tuy nhiên luật pháp cho phép báo cáo tiền tệ bán niên này hiện giờ yêu cầu Bộ Tài chính phải làm việc với Việt Nam để giải quyết các lo ngại của Mỹ. 

Sam Rizzo - Giám đốc cao cấp về chính sách tại Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin nói: “Dán nhãn Việt Nam là thao túng tiền tệ, Bộ trưởng Tài chính trong thực tế đã bị buộc phải theo đuổi việc tăng cường phối hợp song phương với Việt Nam và vạch ra tiến trình đầy đủ theo luật định về một loạt các lựa chọn chính sách để giải quyết các lo ngại của Mỹ”. 

Rizzo nói thêm: “Chúng tôi tin việc áp dụng thuế Điều 301 sẽ làm xói mòn sự thỏa thuận song phương và sẽ không giải quyết được các lo ngại cơ bản được xác bịnh bởi cả báo cáo của Bộ Tài chính và Thông báo Đăng ký Liên bang của USTR”. 

Những người chứng kiến điều trần từ Phòng Thương mại Mỹ, Hội đồng Ngoại thương quốc gia, Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia và các nhóm khác cũng kêu gọi USTR dừng việc đe dọa đánh các khoản thuế có tiềm năng gây thiệt hại và cho phép Bộ Tài chính khôi phục vai trò dẫn dắt truyền thống đối với lĩnh vực tiền tệ. 

Những người ủng hộ 

Chỉ có 3 trong gần 2 tá nhân chứng trong phiên điều trần thứ Ba nói họ ủng họ cuộc điều tra tiền tệ của USTR. Họ đại diện cho liên minh công nhân ngành thép, liên minh các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất và một nhà sản xuất nam châm trụ sở tại Ohio. 

Roy Houseman, giám đốc luật pháp cho các công nhân thép nói đồng tiền dưới giá trị của Việt Nam đã ở trong tài liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới và Bộ Tài chính. Ông kêu gọi USTR áp đặt thuế trừng phạt có thể tăng lên nếu Việt Nam có các hành động tiếp tục phá giá đồng tiền. 

“Việc trợ cấp cần chứa đựng một cơ chế điều chỉnh để phản ánh sự thay đổi trong tỷ giá, kháng cự lại sự phá giá hơn nữa và khuyến khích giá trị dựa trên thị trường của đồng tiền Việt Nam”. Houseman nói thêm: “Quá nhiều việc làm ở Mỹ đang bị đe dọa nếu không mạnh dạn theo đuổi một chế độ thương mại cân bằng hơn để cho phép công nhân Mỹ cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng”. 

Mark Bradley - Chủ tịch Magnum Magnetics Corp nói công ty của ông đã chịu thiệt hại từ sự gia tăng của hàng nhập khẩu bất bình đẳng về giá từ Việt Nam và đặc biệt yêu cầu đánh thuế vào những hàng hóa đó. 

Chính quyền Trump đã tổ chức buổi điều trần khác hôm thứ Hai về cuộc điều tra của USTR đối với vấn đề liệu Việt Nam có sử dụng gỗ khai thác bất hợp pháp trong các sản phẩm gỗ xuất đến Mỹ không. Gat Caperton, một nhà sản xuất nội thất ở Virginia đại diện cho một liên minh lớn hơn, đã kêu gọi USTR áp đặt thuế trong cả hai vụ. 

Bước tiếp theo 

Thời hạn của các bên liên quan để nộp ý kiến cuối cùng trong vụ điều tra gỗ là 6/1 và vụ tiền tệ là 7/1. Chỉ còn lại 2 tuần để chính quyền Trump công bố bất kỳ hành động thuế nào trước khi rời nhiệm sở. Sau đó, những việc cần làm sẽ tùy thuộc vào chính quyền Biden. 

Theo Politico 

https://www.politico.com/news/2020/12/29/ustr-vietnam-currency-investigation-451959

Post a Comment

Tin liên quan

    -->