Việt Nam trở thành tâm điểm trong chuỗi cung ứng đất hiếm mới của thế giới

Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng chuỗi cung ứng đất hiếm ra ngoài Trung Quốc khi nhu cầu về vật liệu này cho một loạt ứng dụng đã tăng lên và các lo ngại địa chính trị đang thúc đẩy các kêu gọi về một cơ sở cung ứng rộng rãi hơn.



Việt Nam ước tính có nguồn đất hiếm có thể khai thác lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc với trữ lượng 22 triệu tấn so với 44 triệu tấn của Trung Quốc, theo dữ liệu Khảo sát Địa chất Mỹ. Triều Tiên có thứ được tin là nơi có mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới nhưng các lệnh trừng phạt đã khiến nguồn tài nguyên này không thể được phát triển phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam đến nay vẫn chưa thể khai thác tiềm năng này dù đã có nhiều năm thăm dò. Trong năm 2021, Việt Nam chỉ khai thác 400 tấn đất hiếm, trong khi năm 2020 là 700 tấn, không thấm vào đâu so với lượng khai thác của Trung Quốc năm 2021 là 168000 tấn và năm 2020 là 140.000 tấn.

Nhật Bản từ năm 2010 đã hướng tới Việt Nam như một nguồn cung đất hiếm sau khi tranh chấp chính trị đã thúc đẩy Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật. Các thống kê thương mại của Nhật Bản cho thấy Việt Nam là nhà xuất khẩu đất hiếm lớn thứ hai sang Nhật sau Trung Quốc nhưng phần lớn nguồn vật liệu này vẫn đến từ Trung Quốc.

Nhật Bản là nhà sản xuất đất hiếm chứa nam châm vĩnh cửu lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Các công ty Nhật đã đầu tư vào các dự án ở Việt Nam trong một thập kỷ qua để bảo đảm một nguồn cung ngoài Trung Quốc. Động lực phát triển nguồn cung từ Việt Nam đã bị đình trệ khi thương mại Nhật – Trung được bình thường hóa nhưng giờ đây mối quan tâm này lại được nêu lại khi chính phủ Nhật đã áp dụng một chiến lược an ninh quốc gia mới khuyến khích các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng này.

Đất hiếm là nguyên liệu thô quan trọng không chỉ cho xe điện và tua bin gió – những thứ quan trọng cho chuyển đổi năng lượng sạch, mà còn cho cả các thiết bị điện tử, ứng dụng y tế và thiết bị quân sự.

Gần đây, các nước khác đã bắt đầu chuyển sang Việt Nam để bảo đảm nguồn cung trước khi đất hiếm ra khỏi mặt đất bằng cách đầu tư vào các dự án phát triển.

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh, ước tính của tổ chức Fitch Solutions là đạt 7,8% trong năm 2022 và dự báo 6,5% trong năm 2023. Việt Nam cũng đang trở thành một cơ sở khu vực ngày càng hấp dẫn với các công ty muốn đối phó lại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng hậu Covid và sự tăng chi phí lao động ở Trung Quốc.

Việt Nam đang trở thành một cơ sở sản xuất quan trọng ở Đông Nam Á về linh kiện điện tử và là một trong những thị trường năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhất. Nhiều nước đang thiết lập quan hệ đối tác với chính phủ và các công ty tư nhân Việt Nam để thiết lập một chuỗi cung ứng tích hợp cho đất hiếm và các vật liệu quan trọng khác.

Đầu tháng 12, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam đã ký một thỏa thuận với đối tác Hàn Quốc để phối hợp về khai thác và phát triển các khoáng sản quan trọng bao gồm đất hiếm nhằm cung cấp ổn định cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Lee Chang-yang đã đề xuất tăng cường phối hợp về cung ứng đất hiếm vào tháng 8 và cử một nhóm điều tra để tìm cách phát triển lĩnh vực này.

Các công ty Australia cũng đang thăm dò đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng ở Việt Nam, bao gồm Australian Strategic Minerals đã ký một thỏa thuận vào giữa tháng 12 để cung cấp oxit đất hiếm dài hạn cho nhà máy của công ty này.

Canada đã tăng cường thương mại với Việt Nam theo thỏa thuận tự do thương mại TPP và trong tháng 12, tỉnh Saskatchewan của nước này đã cử một phái đoàn đến Việt Nam thảo luận về các cơ hội mới. Người đứng đầu cơ quan thương mại và xuất khẩu của tỉnh này đã ghi nhận tiềm năng hợp tác giữa hai nước về năng lượng xanh, bao gồm khai khoáng bền vững và các nguyên tố đất hiếm.

Nguồn: https://www.argusmedia.com/en/news/2406483-vietnam-becomes-focus-for-new-rare-earths-supply

Post a Comment

Tin liên quan

    -->