Nga đang tìm kiếm vũ khí từ Triều Tiên như thế nào?

Quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 30/8 nói rằng các cuộc đàm phán chuyển giao vũ khí giữa Triều Tiên và Nga đang “tiến triển tích cực” khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tìm cách nuôi dưỡng bộ máy chiến tranh của ông.



Dưới một mạng lưới trừng phạt của phương Tây, Nga và nhà thầu quân sự của họ - tập đoàn Wagner, được cho là đã hướng sang Bình Nhưỡng để tìm kiếm đạn pháo và những thứ khác như “rocket bộ binh và tên lửa”.

Những diễn biến gần đây đã gợi ý về một quan hệ giao dịch vũ khí đang nảy nở bất chấp việc Triều Tiên phủ nhận và cái chết gần đây của ông chủ Wagner Yevgeny Prighozhin.

Tháng 9/2022, Mỹ nói rằng Triều Tiên đang cung cấp cho Nga đạn pháo với số lượng đáng kể. Tháng 1/2023, 2 tháng sau khi Triều Tiên được cho là đã cung cấp cho tập đoàn Wagner các rocket và tên lửa mặt đất – Kirby đã chia sẻ ảnh vệ tinh về một đoàn tàu tại biên giới Nga – Triều Tiên đang chở những hàng hóa chết người này.

Hồi tháng 3, Ashot Mkrtychev, một người Slovakia, đã bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vì làm việc với các quan chức Triều Tiên để mua “2 chục loại vũ khí và đạn dược cho Nga”. Điều này cho thấy hai nước này có nhiều con đường liên lạc.

Hồi tháng 7, Mỹ đã trừng phạt người buôn bán vũ khí Triều Tiên Rim Yong Hyok vì tạo điều kiện chuyển giao những vũ khí chưa rõ chủng loại cho tập đoàn Wagner.

Một báo cáo năm 2019 của Liên Hợp Quốc đã liệt kê một cá nhân với cùng tên như vậy với chức danh là phó đại diện của công ty giao dịch vũ khí Komid của Triều Tiên ở Syria.

Đây là một chiến trường mà tập đoàn Wagner đã hoạt động rộng rãi cho nên nó ít nhất có thể là một nơi mà liên lạc giao dịch vũ khí đã được hình thành.

Tuy nhiên chuyến thăm Bình Nhưỡng của Sergei Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, có thể là tín hiệu quan trọng nhất về quan hệ buôn bán phát triển với Triều Tiên. Shoigu đã dự lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Ông đứng hàng đầu và ở trung tâm của buổi lễ, tham dự một cuộc duyệt binh và các sự kiện hoành tráng khác, làm lu mờ phái đoàn Trung Quốc.

Quan trọng nhất là Shoigu đã được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dẫn đi xung quanh một triển lãm vũ khí. Triển lãm này trưng bày tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa siêu thanh tầm xa và các drones tiên tiến mới được tiết lộ cùng một loạt vũ khí khác.

Xuất khẩu vũ khí của Triều Tiên đã tăng trưởng vững chắc cùng với nền tảng công nghiệp quốc phòng từ những năm 1970. Nhiều vụ chuyển giao đã được thực hiện cho các đồng minh ý thức hệ thời chiến tranh lạnh, nhưng Triều Tiên cũng tăng cường bán vũ khí để lấy tiền tệ và hàng hóa nhằm làm dịu đi những nỗi thống khổ của nền kinh tế. Iran là một trong những khác hàng lớn nhất của Triều Tiên trong những năm 1980 khi họ chiến tranh với Iraq.

Từ năm 2006, Triều Tiên ở dưới các lệnh trừng phạt ngày càng phức tạp của Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn nước này phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đã cấm nhập khẩu các vũ khí lớn của Triều Tiên từ năm 2006 và cấm nhập mọi loại vũ khí của Triều Tiên từ năm 2009.

Nga – một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an với quyền phủ quyết – đã tích cực tán thành các lệnh trừng phạt với Triều. Gói trừng phạt gần đây nhất được thông qua năm 2017.

Nhưng Nga và Trung Quốc – một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an khác, đã thực thi những chế độ trừng phạt này với sự thiếu quyết đoán. Có rất ít bằng chứng cho thấy chính phủ Nga hành động chống lại mạng lưới mua sắm của Triều Tiên trên đất Nga. Thực vậy, cả Nga và Trung Quốc đã ngày càng trì hoãn các lệnh trừng phạt tiếp theo.

Rõ ràng việc mua vũ khí Triều Tiên sẽ có lợi cho Nga trên chiến trường Ukraine. Nhưng nó sẽ phá hoại các lệnh trừng phạt Triều Tiên và giúp tạo ra nguồn thu cho Triều Tiên. Nó cũng có thể thúc đẩy sự phục hưng cho xuất khẩu vũ khí của Triều Tiên.

Triều Tiên rất cần các hàng hóa như lương thực, dầu mỏ, phân bón và các hàng hóa khác. Cá nhân người Slovakia bị trừng phạt được nói ở trên đã làm việc với các quan chức Triều Tiên để mua vũ khí cho Nga “theo cách trao đổi hàng hóa gồm từ máy bay thương mại, vật liệu thô và hàng hóa gửi đi Triều Tiên”.



Nhưng đáng lo hơn những hàng hóa bị cấm vận, Triều Tiên từ lâu đã phụ thuộc vào bán vũ khí để tài trợ cho việc phát triển vũ khí, bao gồm chương trình tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân.

Nga có một tổ hợp công nghiệp tên lửa, hạt nhân rộng lớn. Mặc dù hiện nay hầu hết các cơ sở của Nga đang khó khăn vì các lệnh trừng phạt nhưng họ có thể cung cấp cho Bình Nhưỡng những công nghệ cần thiết nhất. Mặc dù bằng chứng về việc chuyển giao công nghệ được nhà nước Nga phê chuẩn là rất ít nhưng hoàn cảnh thay đổi có thể ảnh hưởng đến điều này.

Nga đã trở thành một thị trường màu mỡ cho Triều Tiên mua sắm. Báo cáo của LHQ năm 2022 đã làm nổi bật vai trò của một nhà ngoại giao Triều Tiên ở Moscow trong mua sắm một loạt công nghệ cho tên lửa đạn đạo và thậm chí nỗ lực mua 3000 kg thép cho chương trình tàu ngầm của Triều Tiên từ năm 2016 đến 2021.

Điều trớ trêu trong việc Nga quan tâm đến vũ khí Triều Tiên là: Trong lịch sử, Nga cùng với TQ là những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Triều Tiên trước khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực. Họ cũng là nguồn cấp tiền cho Triều Tiên thông qua viện trợ trước khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và chiến tranh lạnh kết thúc.

Nếu Moscow trở thành một khách hàng thường xuyên của vũ khí Triều Tiên, điều đó sẽ giúp Putin chống đỡ cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng tiềm năng thanh toán bằng công nghệ cho Bình Nhưỡng có thể đặt ra mối nguy hại cho thế giới trong dài hạn và phải được xem xét.

Nguồn tin: 
https://theconversation.com/ukraine-war-two-good-reasons-the-world-should-worry-about-russias-arms-purchases-from-north-korea-212714


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn