Báo Mỹ: Trump đe dọa nhưng VN đã hợp tác với châu Âu

Việt Nam và Liên minh châu Âu hôm 30/6 đã ký một thỏa thuận thương mại tự do để giảm 99% thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào khối EU. 

Lễ ký kết thỏa thuận tự do thương mại Việt Nam - EU hôm 30/6. 

Khi cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung đang tiếp diễn làm đảo lộn thương mại toàn cầu, nhiều nước đang lo ngại về các tác động tiêu cực. Tuy nhiên thỏa thuận Việt Nam - EU chứng minh rằng Hà Nội vững vàng đi qua kỷ nguyên này như một trong những người được hưởng lợi nhất. 

Và mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã bóng gió nói rằng Việt Nam có thể là mục tiêu đánh thuế tiếp theo, thỏa thuận mới Việt Nam - EU chắc chắn sẽ cung cấp cho quốc gia Đông Nam Á này một miếng đệm kinh tế. Thực tế, EU mô tả thỏa thuận tự do thương mại Việt Nam - EU như “thỏa thuận tự do thương mại tham vọng nhất từng được ký với một nước đang phát triển”. 



Brian Harding - Phó Giám đốc và là thành viên tại Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói: “Từ viễn cảnh của Việt Nam, việc tăng cường tiếp cận thị trường EU sẽ không thể diễn ra đủ nhanh”. 

Việt Nam hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU và là đối tác lớn thứ hai của EU trong các nước Đông Nam Á - theo Ủy ban châu Âu. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 42,5 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang EU. Giá trị nhập khẩu từ EU đạt 13,8 tỷ USD theo dữ liệu chính thức. 

Chính phủ Việt Nam hôm 30/6 nói rằng thỏa thuận tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) đến năm 2020 sẽ giúp tăng xuất khẩu của EU vào Việt Nam thêm 15,28% và tăng xuất khẩu của Việt Nam vào EU thêm 20%. 

Đây sẽ là một bổ sung mới nhất vào nỗ lực hội nhập mạnh mẽ vào hệ thống thương mại toàn cầu của Việt Nam. Harding giải thích: “Việt Nam đang thực hiện những bước đi đặc biệt để tăng tốc độ phát triển kinh tế bằng cách thực hiện những cải cách nội địa khó khăn và tích cực tìm kiếm thị trường mới. Đất nước này hiện giờ đã có quyền tiếp cận ưu tiên vào EU, Canada, Mexico”, và do đó Harding dự kiến sẽ có “tăng trưởng cao hơn nữa trong xuất khẩu Việt Nam vào các nền kinh tế này”. 

Một người thắng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung 


Kinh tế Việt Nam hiên giờ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, và nó chủ yếu được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa mạnh mẽ cùng sản xuất định hướng xuất khẩu - theo như đánh giá của Ngân hàng Thế giới. 


Hà Nội đã được xem là một người hưởng lợi lớn nhất từ dòng dịch chuyển đầu tư do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Báo cáo tháng 6 của Nomura- một ngân hàng đầu tư Nhật Bản, ước tính rằng Việt Nam đã có được 7,9% tăng trưởng GDP từ các doanh nghiệp mới chuyển đến trong bối cảnh cuộc chiến thuế tiếp diễn. 

Thị xã Kỳ Anh - Hà Tĩnh, một trung tâm công nghiệp ở miền Trung. 

Đặc biệt, các sản phẩm đã gia tăng kỷ lục trong xuất khẩu của Việt Nam là linh kiện điện thoại, nội thất, máy móc dữ liệu tự động. Tất cả những hàng hóa đó trước đây là hàng xuất khẩu truyền thống từ Trung Quốc vào Mỹ. 

Dezan Shira & Associates hồi tháng 4 báo cáo rằng: “Việt Nam rõ ràng hưởng lợi từ chiến tranh thương mại và đang nổi lên như một nơi di chuyển ưa thích cho các công ty”. 

Harding đồng tình với đánh giá này và nói thêm rằng: trong nhiều nước Đông Nam Á đang cố gắng giành lợi thế từ chiến tranh thương mại, “Việt Nam đã rõ ràng là một người thắng lợi”. 

Quan hệ thương mại với Mỹ của Việt Nam 


Sự gia tăng trong xuất khẩu Việt Nam cũng có thể phần lớn được đóng góp bởi các thỏa thuận tự do thương mại mà nước này đã tham gia trong những năm qua. Những thỏa thuận đó gồm Thỏa thuận Tiến bộ và Toàn diện Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một phiên bản cập nhật của thỏa thuận TPP cũ đã bị cáo chung. Theo Harding, khi Trump rút khỏi thỏa thuận TPP 12 thành viên để vứt bỏ thỏa thuận này vào thùng rác lịch sử, Hà Nội đã thất vọng sâu sắc. 



Tuy vậy, Harding nói với CNBC rằng Việt Nam vẫn hưởng lợi đáng kể từ thỏa thuận 11 bên được nối lại, đặc biệt từ việc tiếp cận thị trường Canada và Mexico. 

Tuy nhiên Harding cảnh báo rằng các đám mây bão tố có thể đang tích lũy. Sự thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam gia tăng có nghĩa là Việt Nam nên lo ngại vì đã có “rủi ro rõ ràng cho toàn bộ mối quan hệ khi Tống thống Trump xem xét cân bằng thương mại song phương”. 

Bộ Tài chính Mỹ hôm 2/7 công bố rằng họ sẽ đánh thuế 456% với các mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm thép được sản xuất ở Hàn Quốc hoặc Đài Loan nhưng sau đó chuyển đến Việt Nam để xử lý vài công đoạn nhỏ và xuất khẩu đến Mỹ. 

Trong thực tế, Trump gần đây đã gia tăng các ngôn từ hùng biện chỉ trích Hà Nội. Ông ta nói trong một cuộc phỏng vấn rằng “Việt Nam hầu như là người tồi tệ nhất - nó nhỏ hơn Trung Quốc nhiều - nhưng hầu như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong mọi người”. 

Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước ở TP Hồ Chí Minh. 

Hà Nội hiện giờ tưởng chừng như đang bị nhắm mục tiêu sau lưng nhưng Harding nói Việt Nam không có nguy cơ gặp thảm họa kinh tế vì Nhà Trắng. 

“Nếu Trump bắt đầu nói nghiêm túc về thuế, Việt Nam sẽ không mất cảnh giác” Harding nói và cho biết thêm rằng chính phủ Việt Nam đã có “điều đình với chính quyền Trump khá tốt”. 


Lợi ích song phương 


Mặc dù thỏa thuận thương mại mới có vẻ như là một chiến thắng thuần túy cho xuất khẩu Việt Nam nhưng cũng có dấu hiệu cho thấy châu Âu nghiêm túc về việc đa dạng hóa quan hệ thương mại của họ. 

Các cuộc đàm phán thương mại và đầu tư song phương giữa EU và Việt Nam đã khởi đầu từ 2012 và kết thúc năm 2018. Thỏa thuận đó cùng với thỏa thuận gần đây của EU với Singapore, đã tạo nên cái mà các quan chức EU mô tả là “những dấu mốc cho sự hợp tác lớn hơn của EU với Đông Nam Á”. 

Nhìn vào bức tranh lớn hơn, Đông Nam Á là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU sau Mỹ và Trung Quốc, vì thế bất kỳ thỏa thuận tự do thương mại tiến bộ nào trong khu vực này cũng là đáng kể cho EU. 

Với Việt Nam, Phòng Thương mại châu Âu ở Việt Nam dự đoán rằng: “trong giai đoạn thực thi đầy đủ, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ cao hơn khoảng 7% đến 8% so với khi thỏa thuận chưa được thực thi”. 



Theo một cuộc khảo sát được Phòng Thương mại châu Âu thực hiện ở thành phố Hồ Chí Minh, hơn 90% người được hỏi tin rằng hai bên chính thức thực hiện đầy đủ thỏa thuận này sớm ngày nào thì các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam sẽ sớm được lợi ngày đó. 

Phòng Thương mại Châu Âu nói trong một email cho CNBC rằng các thành viên của họ tin rằng thỏa thuận tự do thương mại này sẽ có tác động tích cực không chỉ trong kinh tế. Trong thực tế, thỏa thuận tự do thương mại này cũng có thể thúc đẩy các vấn đề môi trường và xã hội. 

Thành công với EU thậm chí cũng có thể thúc đẩy nhiều mối quan tâm quốc tế hơn. Harding nói: “Chừng nào Việt Nam vẫn là trung tâm sản xuất duy nhất ở Đông Nam Á được ưu tiên truy cập vào EU, nó sẽ thu hút thêm nhiều quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài”. 

Nguồn: https://www.cnbc.com/2019/07/04/eu-signs-new-trade-deal-with-vietnam-as-hanoi-benefits-amid-trade-war.html

Post a Comment

Tin liên quan

    -->