Việt Nam mới hạ chân đế giàn khoan ở đâu trong vùng đang đối đầu TQ?

Gần đây trên mạng xã hội lan truyền tin đồn về việc ngành dầu khí Việt Nam đã hạ đặt chân đế một giàn khoan ở thềm lục địa đông nam giữa bối cảnh đang diễn ra cuộc đấu tranh để xua đuổi các tàu Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp ở vùng này.

Cảnh hạ đặt chân đế giàn khai thác Sao vàng - Đại nguyệt. 

Thông tin này được một số nhà báo tự do đăng lên các trang mạng và các mạng xã hội cũng râm ran đồn đoán nhưng các cơ quan truyền thông lớn thì không đề cập tới khiến công chúng hãy còn bán tín bán nghi. Tuy nhiên đến nay thông tin này đã được ít nhất một cơ quan báo chí chính thức đăng tải. 




Vào lúc 8h45 ngày 19/8, trang phunuonline.com.vn - báo điện tử Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, đã đưa tin như sau: 

Sáng 18/8/2019, chân đế giàn khai thác “Sao vàng - Đại nguyệt” nặng 14000 tấn lớn nhất từ trước tới nay vừa hoàn tất quá trình lắp đặt tại thềm lục địa phía nam của Việt Nam.” 

Chân đế dàn khai thác Sao vàng - Đại nguyệt đã được lắp dựng thành công ở cảng Vietsovpetro tại Vũng Tàu từ tháng 4. 

Bài báo cũng cho biết mỏ Sao vàng - Đại nguyệt thuộc lô 05-1b và 05-1c. Mỏ này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trữ lượng từ ngày 4/8/2016 để làm cơ sở cho việc triển khai phát triển. Tiếp đó ngày 7/3/2017, Bộ Công thương có quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển đại cương. Ngày 11/12/2017 Thủ tướng có quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ. 

Dự án Sao vàng - Đại nguyệt do Công ty Idemistu Kosan (Nhật Bản) là đại diện chủ đầu tư và PTSC M&C là tổng thầu EPCIC, gồm 02 mỏ Sao vàng và Đại nguyệt lần lượt nằm ở các lô 05-1b và 05-1c ở bể Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 350km về phía Đông Nam, ở mực nước sâu khoảng 120m. 




Dòng khí Sao vàng - Đại nguyệt đầu tiên dự kiến về bờ vào cuối năm 2020 với tổng trữ lượng khí khai thác dự kiến là 16 tỷ m3 khí sẽ góp phần tăng sản lượng khí lên khoảng gần 5 triệu m3 khí/ngày, bổ sung cho các nguồn khí hiện hữu đang suy giảm để cung cấp và đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ; trong đó nguồn cung khí cho sản xuất điện từ khu vực Đông Nam Bộ chiếm khoảng 22% sản lượng điện cả nước. 
Khu vực tàu khảo sát TQ hoạt động bất hợp pháp tương ứng với 4 lô dầu khí của Việt Nam gồm: 131, 132, 155, 156. 

Sơ đồ vị trí các lô dầu khí Việt Nam, trong đó lô 5-1b và 5-1c nằm ngay bên cạnh về phía tây nam lô 132. 

Dựa trên sơ đồ các lô khai thác dầu khí thì thấy rằng lô 5-1b và 5-1c nằm phía Bắc của lô dầu khí 06-. Còn vị trí của khu vực mà tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất số 8 của Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp thì theo dữ liệu của trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á đưa ra ngày 16/7 là nằm trên 4 lô dầu khí: 131, 132, 155 và 156 của Việt Nam nhưng phía Trung Quốc cũng phân lô để mời thầu và gọi là hai lô Riji 03 và Riji 27. 




Như vậy vị trí mà Việt Nam hạ đặt chân đế giàn khoan Sao vàng - Đại nguyệt là ở phía tây nam khu vực lực lượng chấp pháp đang đấu tranh xua đuổi các tàu Trung Quốc. Mặc dù không phải là một động thái liên quan trực tiếp đến tình hình đối đầu, hơn nữa việc hạ đặt chân đế giàn khoan Sao vàng - Đại nguyệt đã là việc được lên kế hoạch và chuẩn bị khá lâu, tuy nhiên trong bối cảnh cuộc đấu tranh để xua đuổi những kẻ xâm nhập bất hợp pháp đang diễn ra gay go phức tạp như hiện nay, sự kiện này có nhiều ý nghĩa. 

Sự kiện này cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng trong vùng đặc quyền kinh tế được luật pháp quốc tế thừa nhận. Cách đây vài tuần, ngành dầu khí Việt Nam cũng đã thông báo gia hạn hoạt động giàn khoan Hakuryu-5 ở lô dầu khí 06-1 bất chấp việc hoạt động của nó bị tàu hải cảnh của Trung Quốc quấy nhiễu. Những việc làm này sẽ có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ những nhân viên chấp pháp Việt Nam đang ngày đêm đấu tranh với Trung Quốc ở vùng biển gần đó.

Nguồn tham khảo:
https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/viet-nam-ha-dat-thanh-cong-chan-de-sao-vang-tai-be-nam-con-son-163160/
https://amti.csis.org/china-risks-flare-up-over-malaysian-vietnamese-gas-resources/

Post a Comment

Tin liên quan

    -->