Giáo sư TQ: Việt Nam rất giỏi dọa kiện để áp lực TQ

Trung Quốc và Việt Nam nói sẽ tiếp tục tìm giải pháp hòa bình cho xung đột ở Biển Đông sau cuộc họp 3 ngày bàn về các vấn đề biên giới.


Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ 6 tuần trước nói rằng các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao đã thảo luận về hợp tác biên giới trên bộ và các vấn đề nhạy cảm hơn ở trên biển. Tuyên bố nói rằng hai bên đã đồng ý “tăng cường đối thoại hơn nữa và trao đổi ý kiến để quản lý đúng đắn tranh chấp” ở Biển Đông trong khi thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường và thực thi pháp luật. 



Trong khi đó Bộ Ngoại giao của Việt Nam nói rằng hai bên đã đồng ý “giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình và thích đáng” nhưng các quan chức từ cả hai nước đều không nói là căng thẳng đã chấm dứt hay chưa. 

Tuyên bố của phía Việt Nam nói: “Hai bên đã đồng ý duy trì cơ chế thảo luận các vấn đề liên quan trên biển và hợp tác với nhau để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao song phương vào năm sau”. 

Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung - người dẫn đầu phái đoàn Việt Nam đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và thứ trưởng ngoại giao La Chiếu Huy và Mã Triều Húc. 


Chuyến thăm của ông Lê Hoài Trung diễn ra khi căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bắt đầu hạ nhiệt sau cuộc đối đầu hàng tháng trời giữa các tàu cảnh sát biển hai bên gần bãi Tư Chính giàu tài nguyên khi tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc thực hiện nhiều chuyến đi qua gần một lô dầu khí do công ty Rosneft hợp tác khai thác với Việt Nam. 

Mặc dù tàu Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển này hồi tháng trước, vụ đối đầu mới nhất này đã thu hút sự chú ý với hoạt động khai thác dầu khí ở trong các vùng biển tranh chấp. 

Việt Nam - người gần đây là tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ nhất với yêu sách của Trung Quốc trong vùng biển chiến lược này - cũng đã nêu lên một viễn cảnh rằng họ có thể kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế theo cách của Philippines. 

Hồi đầu tháng 11, thứ trưởng Lê Hoài Trung nói rằng Việt Nam đã đang chuẩn bị một loạt các biện pháp pháp lý nhưng trước hết tập trung vào biện pháp ngoại giao. 


Trương Minh Lương - một giáo sư chuyên nghiên cứu về Biển Đông tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu nói rằng đây không phải lần đầu tiên Hà Nội nêu khả năng đưa Trung Quốc ra tòa. 

Trương nói: “Việt Nam rất giỏi trong việc sử dụng chiến lược đe dọa sử dụng các biện pháp pháp lý để gây áp lực lên Trung Quốc nhằm giành được vị trí có lợi. Luật pháp quốc tế và các hành động pháp lý có lợi hơn cho Việt Nam, nhưng thực hiện hành động này sẽ mang đến một cái giá chính trị cao”. 

Phiên tòa ở The Hague đã phán quyết thắng kiện cho Philippines năm 2016 nhưng Trung Quốc tức giận bác bỏ phán quyết này và chính phủ gần đây của Philippines đã cơ bản bỏ qua vấn đề này khi họ tìm kiếm quan hệ tốt hơn với Trung Quốc. 


Việt Nam cũng đã và đang tăng cường lực lượng hải quân và xây dựng quan hệ quốc phòng, ngoại giao với các nước khác, đáng kể nhất là Mỹ. Trước đó, trong tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã nói trong chuyến thăm đến Hà Nội rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Việt Nam một tàu tuần tra nữa để giúp cảnh sát biển Việt Nam đối phó Trung Quốc - người mà ông cáo buộc là đang “bắt nạt” các láng giềng, bao gồm cả Việt Nam. 

Washington đã cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông và cố gắng hăm dọa các láng giềng châu Á - những người có thể muốn khai thác nguồn dự trữ dầu khí phong phú trong khu vực này. Mỹ đã tăng cường các hoạt động gọi là tự do hàng hải trong khu vực này những năm gần đây để nhằm đối trọng lại sự tích tụ quân sự của Trung Quốc. 

Trương Minh Lương nói rằng Bắc Kinh cần cải thiện quan hệ với các láng giềng. “Trung Quốc đang ở trong thế bị động khi đang bị chỉ trích. Điều này có thể thay đổi nếu Trung Quốc có thể dịch chuyển lợi thế quân sự của họ vào phục vụ lợi ích công cộng, mang lợi lợi ích cho các láng giềng”. 

Theo SCMP

Post a Comment

Tin liên quan

    -->