Tàu sân bay Mỹ thả neo ở Manila gửi thông điệp gì cho Bắc Kinh?

Tàu sân bay USS Ronald Reagan – một tàu sân bay đồ sộ của Mỹ đã ghé thăm cảng ở vịnh Manila trong tuần này với thông điệp cho Bắc Kinh: Biển Đông phải được tự do và mở.

Với khẩu hiệu “hòa bình thông qua sức mạnh” tàu sân bay lớp Nimitz mang khoảng 70 chiếc máy bay chiến đấu và khoảng 5000 nhân viên quân sự này là một trong những tàu lớn nhất trong Hải quân Mỹ. Nhóm tàu sân bay tấn công của nó gồm tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam và USS Chancellorsville thuộc lớp Ticonderoga. 

Trước khi thả neo ở Manila, các tàu này đã đi qua vùng tranh chấp Biển Đông. Căng thẳng đang leo thang trong tuyến đường biển quan trọng này khi Trung Quốc gia tăng quyết đoán trong những vùng biển mà các nước khác tuyên bố chủ quyền như Philippines và Việt Nam, từ đó gây ra điểm nóng xung đột tiềm năng. 



Chuẩn Đô đốc Karl Thomas – Tư lệnh Task Force 70 nói với các phóng viên có mặt trên tàu hôm 7/8 rằng: “Vẻ đẹp của tàu sân bay này là nó cung cấp an ninh và ổn định trong khu vực này. Nó cho phép chúng ta đi ra đó và thiết lập một môi trường mà các tranh chấp có thể được giải quyết trong biện pháp hòa bình và mục tiêu của chúng tôi là có thể cho phép người của mình đi qua và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”. 

Tuy nhiên tranh chấp đã bùng lên. Hôm 8/8, Việt Nam nói rằng một tàu khảo sát Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau cuộc căng thẳng đối đầu kéo dài 1 tháng với các tàu Việt Nam. Tháng 6, một tàu Trung Quốc lớn hơn đã đâm chìm một tàu đánh cá Trung Quốc ở bãi Cỏ Rong nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines. 

Reed Bank - tức bãi Cỏ Rong, nơi xảy ra vụ tàu TQ đâm chìm tàu đánh cá Philippines. 

Trung Quốc yêu sách hầu hết Biển Đông, bao gồm cả các khu vực mà Manila và Hà Nội nói là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ. Bắc Kinh đã xây dựng các đảo nhân tạo trong những năm gần đây với một số nói được trang bị tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không tầm xa theo như báo cáo của Lầu Năm Góc hồi tháng 5. 



Gregory Poling – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á ở Washington nói rằng: Những chuyến thăm thường xuyên của tàu hải quân Mỹ như USS Ronald Reagan đã giúp kiềm chế các hành động của Trung Quốc. 

Ông Poling nói: “Họ cũng cung cấp các cơ hội cho các phương tiện của Hải quân Mỹ hoạt động thường xuyên ở Biển Đông, việc làm đó rất hữu ích trong việc quả quyết không tuân theo các nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế tự do ở vùng biển này”. 

Chuyến thăm cảng Manila của tàu sân bay này diễn ra khi Bắc Kinh và Washington đang vướng vào tranh chấp quyền thống trị khu vực về thương mại, công nghệ và an ninh. Tuần trước, Mỹ đã dán nhãn Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ, và khi phát biểu ở Australia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã cáo buộc Trung Quốc “phá vỡ ổn định” khu vực. 

Philippines đang tìm kiếm bảo đảm lớn hơn từ Washington rằng Mỹ sẽ đến bảo vệ họ trong trường hợp tấn công vũ trang trong vùng biển này theo Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951. Mặc dù Tổng thống Duterte đang xoay trục kinh tế hướng về Trung Quốc, chính phủ của ông đã phàn nàn về việc các tàu Trung Quốc “bu bám” trong những thực thể Philippines kiểm soát ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam – chú thích của MQT). 



Aaron Connelly – thành viên nghiên cứu và là chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, xem những hành động quyết đoán của Trung Quốc như “một nỗ lực để thúc đẩy Duterte và những người ủng hộ ông tiếp tục đặt câu hỏi về giá trị của Hiệp ước Phòng thủ chung”. Connelly nói: “Mục tiêu cơ bản của chiến lược này của Trung Quốc sẽ là phá vỡ quan hệ đồng minh đó”. 

Máy bay hạ cánh trên tàu sân bay Ronald Reagan - con tàu đang thả neo thăm cảng Manila. 

Tuy nhiên Sung Kim – Đại sứ Mỹ ở Philippines nói hôm 7/8 rằng chuyến thăm của tàu sân bay này “là một biểu tượng vĩ đại về quan hệ đồng minh, đối tác và hữu nghị mạnh mẽ với Philippines cũng như một minh chứng cho cam kết chung của chúng tôi về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở”. 

Giữa bối cảnh Washington cam đoan một lần nữa, các cố vấn an ninh hàng đầu của Duterte gần đây đã tuyên bố các bình luận diều hâu chống lại Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tuần trước đã gọi hành động chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012 của Trung Quốc là “bắt nạt” và Cố vấn An ninh Quốc gia Hermogenes Espeson nói dòng người Trung Quốc di chuyển vào Philippines là một mối “đe dọa” an ninh. 

Tuần này, Duterte đã nói ông sẽ mang theo chiến thắng năm 2016 của Manila trong phiên tòa trọng tài quốc tế về tranh chấp lãnh thổ Biển Đông khi ông thăm Trung Quốc vào những ngày tới trong tháng này. Bắc Kinh đến nay vẫn cự tuyệt phán quyết này. 

Tuy nhiên Duterte tháng trước nói vấn đề Biển Đông đòi hỏi “một hành động cân bằng tế nhị hơn”. 



Trở lại tàu sân bay, các quan chức Hải quân Mỹ đã tìm cách nhấn mạnh quan hệ lâu dài giữa Washington và Manila. Họ đứng trước lá cờ lớn của Mỹ và Philippines và nhấn mạnh rằng trên tàu này có hơn 250 thủy thù là người gốc Philippines. 

Được bao quanh bởi hơn một chục thủy thủ người Mỹ gốc Philippines, Thomas nói “đây là một con tàu rất cừ với những gì nó có thể làm nhưng điều khiến nó cừ hơn là người thủy thủ vận hành con tàu này và đi với nhau như một đội... và hoạt động trong mọi vùng biển bao quanh Philippines”. 

Nguồn: https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/US-aircraft-carrier-drops-anchor-in-Manila-to-send-China-message

Post a Comment

Tin liên quan

    -->